Table of Contents Table of Contents
Previous Page  57 / 92 Next Page
Information
Show Menu
Previous Page 57 / 92 Next Page
Page Background

57

quy ước là “sân khấu” để ca sĩ đứng hát.

Những ca khúc về tình yêu biển đảo được

cất lên ngay giữa biển trời quê hương,

khi đất liền đã lùi khá xa ở phía sau và

Trường Sa đang gần lại phía trước khiến

cả người biểu diễn lẫn khán giả đắm chìm

trong cảm xúc rất đặc biệt. Ca sĩ Huỳnh

Lợi (công tác tại Trung tâm tổ chức biểu

diễn và điện ảnh TP.HCM) là trưởng đoàn,

anh xây dựng kịch bản cho đêm diễn rất

sinh động, xen kẽ những tiết mục của dân

chuyên nghiệp còn có những ca khúc để

thủy thủ trên tàu, đại biểu trong đoàn cùng

hát được với ca sĩ để tăng thêm sự gắn bó

giữa các thành viên chung một chuyến tàu.

Sáng 18 tháng 4, đảo Trường Sa Lớn

hiện ra trong ánh bình minh rực rỡ. Các

đại biểu trong đoàn òa lên niềm xúc động

khi được gặp một phần máu thịt thiêng

liêng của Tổ quốc: “Trường Sa là đây!

Trường Sa của Việt Nam chúng ta!”. Ai

cũng muốn được nhanh chóng đặt chân

lên đảo, được tận mắt thấy những con

đường, ngọn hải đăng, những hàng cây

bàng vuông đã từng được nghe, xem, đọc

từ các phương tiện truyền thông. Các ca

sĩ và nhạc công được ưu tiên đưa xuống

chiếc xuồng đầu tiên để lên đảo chuẩn bị

biểu diễn. Sau một ngày đêm lênh đênh

sóng nước, Anh Thúy, Kim Luận mệt lử lả

do say sóng và không ăn được gì, chỉ uống

mấy lon sữa khiến anh Huỳnh Lợi rất lo

lắng, sợ bể chương trình nên cứ chạy qua

chạy lại động viên. Vậy mà vừa đặt chân

lên cầu tàu, hai cô gái mảnh mai ấy lập tức

tươi tỉnh trở lại như được tiếp một nguồn

sinh lực mới. Anh Thúy nhí nhảnh trong

bộ váy ngắn bó sát, cất giọng hát vút cao

trên nền nhạc sôi động làm nóng không

khí ngay từ tiết mục đầu tiên. Các chiến sĩ

trẻ kéo dài từng tràng pháo tay, nồng nhiệt

cổ vũ theo giai điệu bài hát. Ca sĩ Huỳnh

Lợi với lợi thế sở hữu giọng ca “mang âm

vang lịch sử” đã gây xúc động mạnh mẽ

cho khán giả với ca khúc

Tổ quốc gọi tên

mình

(nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thơ

Nguyễn Phan Quế Mai):

“Tôi đang nghe

Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng

Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá.

Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước…

Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi. Máu của

người nhuộm mặn sóng biển Đông…” Các

chiến sĩ và người dân trên đảo hát theo

một cách say sưa. Hát xong, Huỳnh Lợi

không nén nổi nỗi xúc động khi các chiến

sĩ ào lên đứng thành vòng tròn quây anh

vào giữa, có gì trong tay là tặng cái ấy, từ

cành hoa san hô, chùm hoa bàng vuông

mới hái và cả những ngọn lá xanh bứt vội.

Mặc dù Huỳnh Lợi may mắn được đến với

Trường Sa và nhà giàn DK ba lần nhưng

mỗi chuyến đi đều đem đến cho anh một

hành trình trải nghiệm và biết bao cảm xúc

khi Tổ quốc được nhìn từ biển. Huỳnh Lợi

chia sẻ: “Mỗi lần đến rồi đi, thấy thương

các anh lắm. Có anh chỉ mới đôi mươi thôi

nhưng đã phải đứng trước đầu sóng ngọn

gió, gác lại nỗi nhớ nhà, nhớ người thân,

nhớ những con phố, để giữ cho biển trời

luôn bình yên, cho ta có những ngày tháng

sống trong hạnh phúc và đầy đủ”.

Hành trình biển Đông vẫn tiếp tục

với những chuyến thăm và làm việc tại

các đảo và điểm đảo: Đá Lát, Đá Đông,

Đá Tây, Trường Sa Đông… trong những

ngày tháng Tư biển trời lặng sóng. Những

người lính trên đảo Trường Sa Đông đã

nhiều năm vượt qua nỗi khó khăn khi

thiếu đất và nước, vì đảo toàn đất đá

san hô, lại không có giếng nước ngọt.

Ban đầu, cán bộ, chiến sĩ trồng cây bàng

vuông, cây tra, cây phong ba những loại

cây chịu được gió biển mang đầy hơi nước

muối. Sau đó, các anh phải chở từng bao

đất phù sa từ đất liền ra đảo, rồi tiết kiệm

từng giọt nước ngọt trong sinh hoạt để

trồng cây và giữ đất, tạo màu xanh cho

đảo. Thế nhưng, khi có khách đến thăm

đảo, các anh sẵn sàng nhường nhịn từng

giọt nước ngọt để khách rửa mặt, rửa tay

xua đi cái nóng bức của nắng gió. Ca sĩ

Ngọc Khánh gương mặt đỏ bừng, trán lấm

tấm mồ hôi nhưng nhất định không chịu

dùng một giọt nước của đảo, ngay cả nước

uống cô cũng mang theo từ tàu lên. Khánh

hiểu tấm lòng của người lính đảo và đồng

cảm với nỗi thiếu thốn của các anh, có

lẽ bởi thế mà điệp khúc

Mưa đi mưa đi

đảo nhỏ chờ mưa. Mưa đi mưa đi chúng

tôi chờ mưa

(ca khúc “Đợi mưa trên đảo

Sinh Tồn” nhạc: Nguyễn Thịnh, phỏng thơ

Trần Đăng Khoa) được cô hát như những

lời tâm sự thốt lên từ trái tim mình. Khánh

bảo: “Sau lần đầu tiên đi biểu diễn phục

vụ các chiến sĩ Trường Sa, em đã xác định

mỗi năm mình sẽ đến hát cho các anh

nghe ít nhất một lần. Khi trở về đứng trên

sân khấu thành phố, biểu diễn những bài

hát về biển, cảm xúc của em tròn đầy hơn

vì có hình ảnh thực tế của những người

lính đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng

ngọn gió.”

Tàu cập đảo Phan Vinh, đoàn đại biểu

cùng các chiến sĩ đã làm lễ chào cờ rất

trang trọng và xúc động. Đã nhiều lần hát

Quốc ca, nhưng khi hát trong lễ chào cờ

trên hòn đảo mang tên người anh hùng

đất Quảng đã đi vào huyền thoại, các

ca sĩ đều mang một tâm trạng đặc biệt.

Nguyên Vũ, Ngọc Mai, Kim Luận không

hẹn nhau mà cùng đặt tay lên trái tim

mình như muốn lắng nghe giai điệu quốc

ca hòa cùng nhịp sóng vỗ. Điểm đến cuối

cùng của hành trình là nhà giàn DK1.

Không gian nhà giàn rất hẹp, không có

sân khấu cho ca sĩ biểu diễn, họ đã ngồi

thành vòng tròn, xen kẽ với những người

lính, vòng ngoài là các nhạc công. Tiếng

hát cất lên, không micro, không âm li, chỉ

có âm thanh của nhạc đệm và nhịp vỗ tay

hòa trộn với tình cảm ấm nồng, lưu luyến.

Khi nghe Nguyên Vũ ngẫu hứng với ca

khúc

Trái tim nhiều ngăn

của nhạc sĩ Trần

Tiến (phỏng thơ Raxun Gamzatop), một

chiến sĩ trẻ thốt lên: “Ủa, anh là Nguyên

Vũ “xịn” đó hả? Sao khác trên TV nhiều

quá vậy ta?” Câu nói hồn nhiên đó khiến

mọi người cười rộ lên, rồi cả đoàn văn

công quay sang nhìn nhau, lúc này mới

kịp nhận ra dường như ai cũng “khác” đi

rất nhiều sau 10 ngày gắn bó với biển đảo.

Làn da vẫn được kì công chăm chút để

đêm đêm rạng ngời dưới ánh đèn sân khấu

giờ đây đã sẫm màu nắng gió. Tóc cũng

khô đi, trang phục biểu diễn không thể

diêm dúa như khi ở đất liền. Nhưng ánh

mắt và giọng hát của họ đã mang một vẻ

đẹp khác, đằm thắm và sâu lắng hơn.

Đêm chia tay trên con tàu HQ960, vẫn

là những ca khúc quen thuộc mà sao nghe

như lời giã biệt thổn thức. Những ánh mắt

rưng rưng, những bàn tay xiết chặt hẹn

ngày gặp lại. Toàn thể đại biểu được trao

tặng huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa, riêng

Ngọc Khánh được tặng Huy chương Vì

Trường Sa thân yêu. Những giọt nước mắt

xúc động lăn dài trên má không kịp lau

khi đón nhận Huy chương khiến cô ca sĩ,

thành viên trẻ nhất con tàu càng thêm gần

gũi, đáng yêu.

Tùy bút của

Phong Lan

Những ngày nắng gió ở quần đảo

Trường Sa đã in hình thành kỉ niệm

đẹp trong mỗi người tham gia

chuyến đi. Khi trở về với công việc

lao động nghệ thuật vất vả, bận rộn

nơi phố thị, hẳn là trong nhận thức

của mỗi ca sĩ đã có những biến

chuyển, để biết trân trọng từng góc

nhỏ cuộc sống, để cất lên tiếng hát

hay hơn nữa mỗi dịp đến với biển

đảo quê hương.