Previous Page  67 / 120 Next Page
Information
Show Menu
Previous Page 67 / 120 Next Page
Page Background

Xuân Đinh Dậu 2017

LÊ HOA

Ảnh: HẢI HƯNG

N

ằm cách Hà Nội 200km về phía Nam,

bãi biển Hải Hòa thuộc xã Hải Hòa trải

dài từ núi Sổi đến núi Nồi, nằm trên địa

phận thôn Đông Hải và Giang Sơn,

huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Là một khu du lịch

mới đưa vào khai thác nên Hải Hòa vẫn còn khá

nguyên sơ và mộc mạc, bãi biển cát mịn, nước

trong, sóng vừa, các dịch vụ ăn nghỉ đều mới hình

thành nên giá cả khá hợp lí và được niêm yết công

khai, minh bạch.

Du khách đến Hải Hòa thường đi theo dịch vụ xe

riêng cho chủ động. Tuy vậy, bạn hoàn toàn có thể

sử dụng phương tiện công cộng. Bạn có thể đi tàu

lửa, xe khách đến thành phố Thanh Hóa rồi bắt xe

bus đi tiếp tới thị trấn Còng, Tĩnh Gia. Từ thị trấn

vào đến bãi biển chỉ chừng 2km, bạn có thể đi bộ,

thuê xe đạp, xe điện, taxi nếu chọn điểm ăn nghỉ tại

thị trấn Còng thay vì dọc theo bãi biển, chi phí cho

các dịch vụ tất nhiên sẽ cao hơn. Tại đây, bạn sẽ

được thưởng thức món rau má nổi tiếng và nước lá

rừng khá thú vị, miễn phí.

Chúng tôi khá ngạc nhiên khi chạy xe xuyên qua

khu du lịch bãi biển Hải Hòa, trù phú, sạch sẽ và

thoáng đãng, rồi ra tận sát bãi biển. Mùa đông, có

vẻ như không có nhiều khách. Ngó vào mấy nhà

hàng ven biển, không thấy chủ hàng đâu. Gọi mãi

mới thấy có người ra bảo không bán cafe mà chỉ

bán đồ ăn hải sản. Đành phải hạ đồ nghề trên xe

ô tô xuống, đun một tách cafe cho thơm tho, đặng

ngồi ngắm biển.

Triều đang rút để lộ ra cả một bãi cát thênh

thang, cát không trắng tinh và trời không có nắng.

Yên tĩnh và trầm lặng. Xa xa, những con thuyền bé

tí tẹo dập dềnh trôi, không biết được đang ra khơi

hay vào bờ. Cậu bạn mới quen lặng lẽ đốt thuốc,

hẳn trong đầu đang nghĩ đến câu thơ biến thể của

Đỗ Phủ “

Chính thị Thanh Hoa hảo phong cảnh” (*)

vừa thốt ra lời khi lướt đi trên chặng đường từ núi ra

biển ở xứ Thanh.

Tôi đi dọc bãi biển hướng về phía rặng phi lao rì

rào bên bờ cát. Những con thuyền nan cũ kĩ nằm

ngang dọc, cái nghiêng, cái ngả, cái ngửa lên trời,

cái úp xuống cát. Một hình ảnh quen thuộc của

làng chài Bắc Trung Bộ, mộc mạc và thuần phác.

Hái một bông muống biển tím nhạt giữa thảm dây

xanh biếc bò lan trên bờ cát cài lên tóc, thấy mình

hồn nhiên như một cô gái quê, mơ mộng và vô lo.

Một anh ngư dân mới ra

khơi về đang ngồi phân loại

mẻ lưới nhỏ: dăm con cá,

vài con lươn, mấy con cua,

con ốc. Vừa ngồi làm lươn

biển bằng tay không và cát,

vừa trả lời câu hỏi tò mò của

vị khách lạ, rằng mẻ lưới

này mang về ăn hay đem ra chợ bán, nếu bán sẽ

thu được bao nhiêu tiền, vừa đối đáp với người làng

bằng thứ ngôn ngữ địa phương liến láu như chim

hót, khiến tôi bật cười vì nghe mà không hiểu gì.

Biển Hải Hòa lúc triều rút có nền cát khá chắc vì

như tôi thấy, nhiều người có thể chạy xe máy dọc

biển, không thấy bị sa lầy hay lún cát. Một số

phụ nữ đèo sau xe những sọt hàng hải sản do

thuyền nhà đánh bắt được hoặc mua lại từ các

ngư dân khác để bán rong, hay thậm chí là bán lại

cho nhau.

Một nhóm dân chài nói cười hoan hỉ đang cùng

nhau xúm vào kéo thuyền lên bờ. Họ dùng một xe

đòn hai bánh để gối vào chân mũi thuyền, người

kéo, kẻ đẩy, vừa đi vừa đùa cợt trêu trọc người phụ

nữ duy nhất trong nhóm và cũng chính là chủ

thuyền. Hỏi ra mới biết, chiếc thuyền bị hỏng hai

thanh ghép ở đáy thuyền nên phải kéo sâu vào bờ,

lật úp xuống để tiến hành sửa chữa.

Thông thường, một chiếc thuyền đóng mới như

thế sẽ mất từ 10 - 15 triệu đồng tùy theo chủ thuyền

thuê thợ toàn bộ hay tự mua nguyên liệu về làm để

tiết kiệm chi phí. Chỉ vào chiếc lều được quây bằng

vải bạt màu cam vừa mới được gỡ ra từ thuyền đặt

nằm trên nền cát, mấy sợi dây cờ nhiều màu đã táp

vì sương gió, một thanh niên

bảo tôi, đây chính là căn nhà

họ dùng sinh hoạt mỗi khi

dong thuyền ra biển, là chỗ ăn

nghỉ, nấu nướng hàng ngày.

Tôi giật mình, cảm thấy khó tin

khi một chiếc lều đơn sơ như

thế lại chính là nơi gìn giữ

nguồn sống của các gia đình ở biển Hải Hòa.

Tiếng cười giòn tan của cánh thanh niên như tan

loãng trong không gian mênh mang của Hải Hòa

trong chiều đông nhạt nắng. Những con thuyền đơn

sơ, những con người mộc mạc và cuộc sống giản

dị. Như gió vẫn thổi về từ ngoài biển, con sóng vẫn

vỗ bờ dào dạt và những con người với con thuyền

ấy, mỗi ngày vẫn đi khơi…

(*) Nguyên văn: "Chính thị Giang Nam hảo phong cảnh"

Mùa hè ra biển. Mùa đông cũng ra

biển. Không phải để vẫy vùng trong làn

nước mặn mòi vị muối, mà để hít căng

lồng ngực những cơn gió trời trong trẻo,

nói những câu chuyện vu vơ với dân

chài trên biển Hải Hòa (Thanh Hóa).

Chiều đông

trên biển Hải Hòa

Trước đây, nói đến Thanh Hóa là nói đến

Sầm Sơn, nhưng bâygiờ, nói đến Thanh Hóa,

người ta còn nghĩ đến dải bờ biển nằm giáp

ranh với đất Nghệ An ở huyện Tĩnh Gia.

Một trong những bãi biển được không ít

người ghé đến, đó chính là Hải Hòa.

Bài và ảnh:

Giang Nguyên

Một góc cuộc sống thường ngày

trên biển Hải Hòa

Một ngư dân

đang làm lươn biển

ngay trên cát

Hai chị buôn bán hải sản nhỏ lẻ

đang trao đổi hàng với nhau

Vào bờ

67