Previous Page  73 / 120 Next Page
Information
Show Menu
Previous Page 73 / 120 Next Page
Page Background

Xuân Đinh Dậu 2017

73

sa mạc đỏ, trong Công viên quốc gia Watarrka,

chốn nương thân của thổ dân Luritja từ hơn 20 nghìn

năm nay. Đến giờ, đó vẫn là đất thiêng của họ nên

dù là điểm du lịch nổi tiếng vẫn có những vùng cấm

với du khách. Các tuyến đi bộ được bố trí tránh chỗ

có tranh vẽ hoặc khắc trên đá cổ, những không gian

văn hóa tâm linh của thổ dân. Vào Công viên quốc

gia này (cũng như phần lớn các thắng cảnh thiên

nhiên trên khắp đất Australia) thì miễn phí, nhưng đi

vào con đường chạy qua khu cư trú của thổ dân

Luritja thì phải mua giấy phép 2,2 USD, tiền này

dành cho cộng đồng thổ dân. Cái tên Watarrka của

Công viên được đặt (từ năm 1989) cũng là theo tiếng

Luritja (nghĩa là cây ô dù) chỉ một loại cây tràm có

tán tròn vo, mọc nhiều ở đây, thổ dân thường lấy

cây này làm đầu mũi giáo săn thú.

Để ngắm Đại vực, đẹp nhất là leo hơn 500 bậc

đá đỏ theo đường gờ núi. Lên đỉnh sẽ thấy rợn ngợp

trước vẻ ngoạn mục của vách núi đỏ hồng thẳng

đứng sâu hun hút. Phía trên đỉnh trải ra nhấp nhô

những vòm đá tròn kì dị như những tổ ong The Lost

city (Thành phố đã mất). Đi sang phía Đông, nhìn

xuống sẽ thấy một ốc đảo cây cối tốt tươi với những

hố nước vĩnh cửu được gọi là Vườn Địa đàng.

Nói chung, muốn chiêm ngưỡng màu sắc đẹp

nhất của cung đường này thì bạn nên chọn lúc bình

minh hoặc hoàng hôn. Chúng tôi đến vào giữa trưa

nên đành chọn tuyến King Creek, ngắm Đại vực từ

dưới thung lũng. Con đường đi giữa vách sa thạch

đỏ thắm và hàng bạch đàn cổ thụ chạy dọc con suối

cạn lổn nhổn đá tảng chạy dài gần 3km đưa khách

đến gần cuối hẻm núi. Khi góc chữ V của khe núi

hiện ra, cũng là lúc khách phải dừng chân bởi biển

cảnh báo đề nghị tôn trọng không gian thiêng của

thổ dân. Xưa kia chỉ những người đàn ông đầy năng

lượng trong văn hóa Luritja mới được phép leo lên

miệng vực từ thung lũng này. Nhưng đi tuyến nào thì

cũng phải mang đủ nước uống. Và đặc biệt, nên

mang mũ lưới chống ruồi, nếu không có thì dùng

khăn mà quấn mặt.

Tảng đá đỏ biến ảo

Từ Đại vực phải đi 320km nữa mới tới hòn đá trứ

danh Uluru. Vậy mà chỉ trong một buổi, chiều chiếc

xe Kia 2 cầu của chúng tôi đã “nuốt” hết quãng

đường đó mà vẫn kịp dừng chân ngắm cảnh.Trong

đó có điểm ngắm núi Conner mà khá nhiều người

lầm tưởng là Uluru vì nó cũng là một khối đá lớn nổi

lên giữa hoang mạc (vì lẽ đó, dân du lịch chuyên

nghiệp địa phương thường gọi đùa nó là Fool-Uru

như nhắn nhủ “đừng ngốc nghếch nghĩ đó là

Uluru”). Từ đây, chạy hết hết tốc thêm khoảng 45

phút, cuối cùng chúng tôi đã bắt kịp hoàng hôn đúng

lúc Uluru thần thánh rực lên và chuyển màu huyền

ảo trong nắng chiều.

Tin tôi đi, cũng giống như lần đầu tiên nhìn thấy

đỉnh núi tuyết Everest, bạn sẽ không bao giờ quên cái

nhìn cái nhìn đầu tiên về Uluru. Sững sờ trước vẻ huy

hoàng của tảng đá đỏ, chúng tôi như đứng chôn

chân, mắt không rời tảng đá vì không muốn bỏ lỡ

một khoảnh khắc biến ảo nào. Mỗi thời điểm trong

ngày, Uluru sẽ chuyển màu khác nhau từ cam đến

hồng, tím, đỏ sậm, thậm chí xanh đen và bầu trời sẽ

phản chiếu huyền ảo hơn bảng màu đặc sắc đó.

Ngoài hoàng hôn thì lúc rạng đông chính là thời

điểm đẹp nhất của Uluru.

Muốn kịp ngắm bình minh, phải dậy từ 4h sáng.

Điểm ngắm xa hơn nằm ở phía bên kia tảng đá.

Trên vé có vẽ sơ đồ nhưng trời tối, chúng tôi phóng

vội nên lại bị nhầm một quãng đường và phải lộn lại.

Đến nơi vẫn kịp nhưng rất tiếc là đã bỏ qua khoảnh

khắc tảng đá thẫm đen được rạng đông bao viền từ

đằng sau như một vầng hào quang.

Điểm ngắm bình minh đủ hết các góc để không

bỏ sót bất cứ vẻ đẹp nào. Mấy sàn gỗ rộng từ thấp

đến cao đều đã đầy người và chân máy. Đến đây

mới thấy, Uluru có lẽ điểm đông khách nhất Australia

và đó cũng là thắng cảnh duy nhất ở Australia phải

mua vé (25 USD cho 3 ngày bao gồm cả phần Kata

Tjuta - một quần thể đá tương tự gần đó). Cũng phải

thôi, bởi nó là Di sản thế giới và được coi là một

trong những biểu tượng hàng đầu của Australia. Rất

may, chúng tôi cũng tìm được vị trí khá đẹp để đặt

máy. Uluru hiện ra trong rạng đông như một quá

trình biến ảo ngược lại lúc chiều buông, nhưng có

phần huyền ảo và rực rỡ hơn, đơn giản vì có nhiều

thời điểm ánh sáng hơn. Sau hai tiếng thỏa thuê

chiêm ngưỡng, ghi hình, chúng tôi lên xe đi vào chân

núi, tiếp cận một Uluru “bằng xương bằng thịt”.

Đến gần mới thấy, hóa ra bề mặt đá khá lồi lõm,

có nhiều hang hốc và dưới chân có rất nhiều cây

xanh, những hõm nước vĩnh cửu… chứ không có vẻ

trơ trụi như nhìn từ xa. Nhưng sắc đỏ thì quả thật

không lừa dối mà có phần thắm hơn do trên mặt đá

có những tấm vẩy đỏ rực như trên vỏ thân cây. Được

biết, trong quá trình bào mòn, sự oxy hóa sắt đã

đem lại cho tảng đá sắc đỏ cam rực rỡ. Tảng đá

được hình thành cách đây 600 triệu năm và nằm

trong vùng đất của thổ dân Yankunytjara và

Pittjantjara từ 10.000 năm nay. Uluru là tên gọi cả

vùng này chứ không phải chỉ là tên của tảng đá.

Đến giờ họ vẫn làm chủ vùng này, nhưng chính phủ

Australia đang có hợp đồng thuê 99 năm. Hướng

dẫn viên ở đây đều là thổ dân. Họ cho rằng, tảng

đá có ý nghĩa tâm linh quan trọng. Luôn có các biển

báo nhắc nhở tôn trọng những điểm được coi là bất

khả xâm phạm, thậm chí có chỗ không nói to, không

chụp ảnh. Việc leo lên tảng đá không bị cấm nhưng

không phải lúc nào cũng được phép (vì lí do văn

hóa) và luôn có khuyến cáo đừng liều lĩnh vì đã có

35 người chết khi thử sức. Lối lên có bậc và tay vịn

có vẻ mờ dần vì lâu không mấy người leo.

Sau tour đi bộ, thâm nhập vào chân tảng đá,

cảm nhận hồn cốt của nó, chúng tôi chạy xe giáp

vòng 10km quanh nó. Mặt sau hóa ra có rất nhiều

hõm, đôi khi các hõm tổ hợp lại trên vách đá trông

như những bức tranh khắc trên đá cổ và nhiều thứ

gợi trí tưởng tượng. Mỗi góc quanh lại hiện ra những

hình ảnh đặc sắc khiến khách nấn ná mãi không

muối rời.

* * *

Con đường Red Center kết thúc nhưng miền đất

đỏ thì vẫn tiếp tục mênh mang trải dài dưới bánh xe

theo “Con đường khám phá xuyên tâm Australia”

xuôi dần về phía Nam. Chuyến đi kéo dài 25 ngày

thì chúng tôi dành đến 12 ngày miên man qua

những con đường đỏ thắm. Để rồi màu đỏ ấy trở

thành ám ảnh không nguôi mỗi khi nhớ về miền đất

bao la khoáng đạt phía Nam bán cầu này.

Bạch đàn thân trắng như bạc, dù lõi cháy đen vẫn xanh lá, thường mọc dọc các con suối cạn

Lạc đà hoang ngơ ngác giữa đồng chiều

Thổ dân đang thuyết minh về hình vẽ trên đá

Tác giả chụp kỉ niệm với

những quả dưa lăn lóc bên đường

Con đường Red Center uốn lượn giữa hoang mạc điểm

những khóm hoa vàng rực như tấm thảm thổ dân khổng lồ