Previous Page  61 / 120 Next Page
Information
Show Menu
Previous Page 61 / 120 Next Page
Page Background

Xuân Mậu Tuất 2018

61

viên của vườn quốc gia thì sẽ do đại lí du lịch nộp.

Có ba cung đường đi bộ để khám phá đảo: ngắn,

trung bình, dài; chi phí không thay đổi mà phụ

thuộc vào việc du khách có thể cuốc bộ bao xa

giữa cái nắng trưa bỏng rát.

Chúng tôi chọn cung đường trung bình, dẫn

đoàn là bác hướng dẫn viên đứng tuổi tên Jacky

cùng một anh trợ lí trẻ tuổi. Chú rồng đầu tiên

chúng tôi gặp không ngờ lại ở ngay sau tòa nhà

văn phòng. Chú mới chừng ba mươi tuổi, đương độ

trai tráng. Vài năm trước, chú bị thương khi chiến

đấu giành người yêu với bọn rồng đực khác, các

nhân viên đưa chú về để chữa trị, nào ngờ, khi

lành lặn khỏe mạnh thì chú quen thói ở lì không

chịu đi đâu nữa. Tất cả các thành viên trong đoàn

đều phấn khích khi trông thấy rồng Komodo sống

động giữa đời thực, một số người liều lĩnh muốn lại

gần chụp ảnh nhưng bác Jacky cản lại ngay, bởi

trông lù đù vậy thôi nhưng rồng Komodo có thể

chạy 20km/h, lặn sâu hơn 4m và có cú táp mồi chí

tử. Con mồi không gục ngay lập tức mà sẽ mất

máu đến chết bởi chất chống đông có trong nọc

độc của chúng. Liều lượng của nọc độc lớn đến

mức có thể quật ngã một con trâu mộng. Rồng

Komodo ăn tạp, từ chuột đến gà, hươu nai hay

trâu bò đều là món khoái khẩu của chúng, loài

người chưa chắc đã là ngoại lệ. Thực tế đã có

nhiều ghi chép về những tai nạn xảy ra với các du

khách liều lĩnh. Trước khi chúng tôi đến đây vài

tháng, một nhóm khách đã thuê tàu đến làng

Komodo, nhờ người dân ở đó dẫn đi tham quan

chui trên đảo. Kết quả là một người Singapore

trong nhóm đã bị rồng cắn, dù được cứu chữa kịp

thời nhưng đôi chân của người này vẫn bị thương

tật nặng nề.

Sau ví dụ của bác Jacky, đoàn chúng tôi đã

bình tĩnh và điềm đạm hơn nhiều khi trông thấy các

cô cậu rồng tiếp theo. Từ tháng Năm đến tháng

Tám là mùa giao phối của rồng Komodo nên chúng

tôi dễ dàng bắt gặp vài cặp rồng nằm biếng lười

dưới gốc cây. Có lẽ chúng đã thành đôi, hoặc đều

là rồng cái đang chờ bạn tình, bởi thời điểm này lũ

rồng đực cứ hễ chạm mặt là kiểu gì cũng xông vào

cắn xé nhau tơi tả. “Công chúa” thì ít, chỉ có vài

trăm cô tính cả mấy đảo, trong khi “phò mã” lại

quá nhiều, chiến đấu khốc liệt là điều không tránh

khỏi. Quá ít rồng cái, lại lười làm tổ, lũ rồng đực thì

rất thích ăn trứng và chén thịt bọn rồng nhí nên

mặc dù vườn quốc gia đã cố hết sức trong việc bảo

tồn và gây giống, dân số loài rồng vẫn sụt giảm

qua từng năm. Dù bọn rồng nhí cũng thông minh,

mổ vỏ trứng chui ra là leo tuốt lên cây sống liền

mấy năm, đến khi kích thước phần nào đối trọng

được với các bậc cha chú mới dám tụt xuống đất,

số lượng rồng nhí vẫn ngày càng hiếm hoi. Nên khi

tình cờ bắt gặp một em bé rồng ngơ ngác bò qua

trước mặt, bác Jacky nhắc đi nhắc lại là hôm nay

chúng tôi rất may mắn, có đoàn khách chọn cung

đường ngắn hôm đó thậm chí chỉ gặp mỗi chú rồng

cố thủ ở tòa nhà văn phòng thôi kìa.

Vẻ đẹp vùng biển nông

Lênh đênh sóng nước suốt một ngày dài nên

chúng tôi được ngắm trọn vẹn sự biến ảo sắc màu

của biển theo dấu chân Mặt trời. Từ tím thẫm khi

trời đương tối thành tím hồng lúc chạng vạng,

chuyển ánh kim bởi những tia nắng lóe rồi vàng rực

trong bình minh và hoàng hôn, cuối cùng là thăm

thẳm ngời xanh dưới nắng.

Vùng biển nông quanh các đảo nước xanh

trong như pha lê. Nơi đây, dưới những con sóng

gợn là vô vàn những rạn san hô dập dờn khoe

sắc. Tàu dừng lại cách Pink Beach vài trăm mét để

du khách lặn nổi (snorkelling) sau bữa trưa. Chúng

tôi đeo chân vịt và mặt nạ rồi lao xuống làn nước

mát lạnh, tiến dần về phía bờ trong khi vẫn mê mải

ngắm nhìn tầng tầng lớp lớp những “đóa hoa” của

biển đang chấp chới múa lượn theo từng luồng

nước ào qua. Lũ cá đủ màu sắc không chút e sợ,

vẫn vô tư bơi sát sàn sạt du khách, tưởng như cố

vươn sải tay dài hơn một chút là có thể tóm gọn.

Càng tới sát bờ, san hô mỏng dần, nước càng

trong hơn, rồi bờ cát hồng mịn màng hiện ra, như

vệt son mờ đọng lại sau nụ hôn của đất liền và biển

cả. Hàng triệu vỏ sò và xác san hô bị nghiền nát

đã tạo ra màu hồng lạ kì này, phối cùng bầu trời

xanh thẳm trên cao, triền đồi vàng khô cỏ cháy

phía sau lưng, mặt nước trong veo trước mặt,

khung cảnh dịu dàng quá đỗi khiến tôi thẫn thờ

chẳng muốn về. Nhưng thời gian có hạn, nên sau

tiếng còi của bạn hướng dẫn viên đi cùng tàu, dù

luyến tiếc đến đâu chúng tôi vẫn phải quay về tàu

để di chuyển đến điểm lặn nổi thứ hai - Manta

Point. Nằm gọn trong eo biển Sape nối giữa biển

Flores và eo biển Sumba, nơi đây là môi trường

sống ưa thích của manta - hai loài có kích thước lớn

nhất trong họ hàng cá đuối. Nhưng không như bãi

cát hồng hay những rặng san hô cứ đến nơi là sẽ

gặp, với manta, bạn hướng dẫn viên vẫn nhấn

mạnh vào hai từ “may mắn”. Hôm ấy có lẽ chúng

tôi đã dùng hết may mắn khi gặp bé rồng nhí ở

đảo Komodo rồi nên không ai thấy manta, có chút

thất vọng nhưng thêm một lần được vẫy vùng và

ngắm nhìn đáy biển rực rỡ, mọi người cũng được

an ủi phần nào.

*****

Chúng tôi rời Labuan Bajo vào một buổi sáng

nắng vàng ươm như mật. Kết thúc chuyến đi “săn”

rồng, chiến tích mang về chỉ có những bức ảnh và

vương vấn miên man. Tôi nhớ vị biển mặn mòi, nhớ

khi vẫy vùng trong làn nước mát lạnh, băng qua

rạn san hô rực rỡ để nằm dài phơi nắng trên bãi

cát hồng. Tôi nhớ những cô cậu rồng đầy nguy

hiểm ẩn dưới vẻ ngoài khờ khạo chậm chạp, nhớ

em bé rồng xinh xinh, mong em sẽ thuận lợi trưởng

thành. Và nhớ nhất có lẽ là cảm giác tự do thanh

thản như mây trôi, như gió biển ở cái mảnh đất

thiên đường xa xôi ven rìa Ấn Độ Dương ấy. Nhớ

nhiều đến vậy, không hẹn ngày trở lại sao đành?

Đội hình đi “săn” rồng hôm ấy

Khách du lịch trên phố Labuan Bajo

Một cặp rồng đang tránh nắng dưới gốc cây

Em bé rồng