Xuân Mậu Tuất 2018
67
pháo đài cổ. Mãi đến tận năm 1991, nơi đây vẫn chỉ
cho phép người Xô Viết sinh sống, với một thiết chế
quân sự đặc biệt “hà khắc”. Không có cư dân quốc
gia hay vùng lãnh thổ khác được bén mảng. Đây
cũng là đầu não của hạm đội Thái Bình Dương của
Nga. Trước, vài nhóm sắc tộc thiểu số, vài cư dân
lang bạt của các quốc gia láng giềng sang Viễn Đông
đánh cá chơi chơi vậy thôi. Tự dưng khoảng năm
1852, một tàu quân sự của Pháp đi qua khu vực thậm
xa xôi này và vị thuyền trưởng tinh ranh nọ đã “phát
kiến địa lí” nhận ra vẻ đẹp và địa thế quan trọng của
vịnh Golden Horn (Sừng Vàng). Mấy năm sau, các
làng đánh cá bị đuổi dạt, họ tiến hành xây dựng một
tiền đồn quân sự ở vịnh biển ngày nay là Vladivostok.
Thị trấn Vladivostok ra đời sau một hai thập niên, có
cả huy hiệu của vùng đất mang hình hổ Siberia cho
đến ngày nay!
Kể từ dấu mốc đó, liên tiếp, pháo đài đầu tiên
được xây, đường dây điện thoại đầu tiên được thiết
lập, rồi đường sắt xuyên lục địa Âu Á, dài nhất thế
giới từ Moscow xuyên Siberia được khởi công từ năm
1891 (hiện nay, vẫn đi tàu cả 7 ngày đêm liên tục,
qua hơn 9.200km, qua 7 múi giờ từ Moscow mới hết
đường ray vùng Viễn Đông). Bây giờ, cụm từ Viễn
Đông thuộc Nga là dùng để chỉ vùng đất vô cùng
rộng lớn, bằng 1/18 tổng diện tích lục địa trên thế
giới; khoảng 6,2 triệu ki lô mét vuông. Nơi này, định
vị trên bản đồ thì “quận Viễn Đông Liên bang” (cách
gọi chính thức ngày nay của chính quyền Nga) này sẽ
gồm toàn bộ vùng cực Đông của Nga, giữa hồ Baikal
(hồ trữ tới 1/5 nước ngọt toàn cầu) ở trung Siberia và
Thái Bình Dương. Vì quá rộng lớn, mà mật độ dân lại
vào dạng thưa thớt nhất Trái đất: chỉ khoảng 1 người
trên 1km 2 , mà dân lại chỉ tập trung ở vài thành phố
lớn, nên Viễn Đông đôi khi còn được xem như biểu
tượng của sự... hoang vắng. Để dễ hình dung, có thể
so sánh thế này: vùng Viễn Đông của Nga có dân số
chỉ bằng nửa... Hà Nội, trong khi diện tích của họ
bằng 1/18 toàn bộ đất đai của địa cầu!
Sói hoang, lều du mục bọc da thú và
những cô gái múa lửa
Khi chúng tôi vào thăm Bảo tàng Vũ khí quân sự ở
trung tâm thành phố Vladivostok thì mới cảm nhận hết
cái khoáng đạt và sự gió sương kiểu tiền đồn quân sự
đúng chất Viễn Đông. Những khẩu pháo cổ hoen gỉ.
Những cỗ vũ khí tối tân bảo vệ bờ biển của người
Nga nằm kiêu hãnh bên cạnh các bộ giáp trụ sáng
choang, xích sắt khiên sắt loảng xoảng. Gương mặt
những thổ dân Viễn Đông độ ấy thô phác, áo quần
phủ lông thú, cung tên giáo mác tua tủa, đặc biệt họ
còn có cả “nỏ thần” bắn một lẫy cùng lúc bay ra
nhiều mũi tên. Mô hình nỏ và các chiến binh oai dũng
như bước ra từ cổ sử. Trong góc bảo tàng này, tôi
nhìn thấy cái khí chất của gió, sóng và băng tuyết sa
mạc của Viễn Đông. Một miền cổ kính và phong trần.
Cuộc chiến bảo vệ pháo đài ven biển như sống dậy
nơi này.
Ông bảo vệ già nghe tôi nói líu lo với đồng nghiệp
khi mua vé tham quan, bèn vuốt lại mũ áo bộ đội bạc
màu, búi huân chương lấp lánh ngúc ngoắc trên ngực
như cũng hấp háy cười, ông móm mém thân thiện:
“Việt Nam, Hồ Chí Minh”. Ki-ốt bé xíu mà ông ngồi
bán vé, nó như đến từ thời người Liên Xô còn quản lí
vùng biên ải này bằng các mệnh lệnh thời chiến. Kho
vũ khí trưng bày này chiếm cả một rông núi nhìn ra
vịnh, tháp pháo nào cũng to cao, cả tiểu đội nấp sau
“cánh gà” bằng thép của nó vẫn vừa. Nòng pháo
cao ngỏng. Cỗ súng máy mấy chục nòng đen hum
hủm xoay lại phía du khách, sự sắc lạnh ánh thép, sự
u tối của các họng súng đằng đằng sát khí ấy khiến
bất cứ ai cũng phải rùng mình. Rồi các quả ngư lôi
thủy lôi to như cột đình, nằm ưỡn ẹo, đỏ lòm, xanh lét
như đồ chơi. Các cỗ xe cõng quả tên lửa khổng lồ. Xe
tăng thì cả bộ sưu tập dắt díu nhau đùm túm ở các
góc sân. Cả khu nhà vệ sinh cổ lỗ hơi dơ bẩn làm
bằng sắt hộp sắt tấm gỉ hoen, nó như gắn liền thành
khối với khu trưng bày vũ khí dưới biển. Không biết
nhà vệ sinh đó là di tích hay chỉ
đơn giản là toilet cũ để phục vụ
khách tham quan bảo tàng
thôi? Tôi nghĩ, nó nên là cả hai
thì vừa khéo.
Nhưng xứng tầm Viễn
Đông nhất, phải kể đến thứ mà tôi chưa từng gặp hay
nghe ở bất cứ bảo tàng nào khác. Nơi này, khách có
thể leo lên tháp pháo, dùng “vô lăng” quay nòng
pháo ra biển, hay vào các chiến lũy sắt để ngắm bắn
thử. Không chỉ bọn nhóc, mà cả các cô chân dài mắt
xanh như nước biển, cả những người đàn ông bụng
phệ quần soóc, râu ria bạc thếch cũng tò mò không
kém. Tôi thấy họ đều leo lên và chỉnh nòng pháo theo
ý mình rồi ngắm bắn “ù ùng” lắm. Nghe nói, mỗi
tuần, bảo tàng còn thắp lửa cho các chiến hạm của
mình, thắp lửa đam mê cho du khách bằng cách tổ
chức bắn một phát đại bác chí tử. Bảo tàng thế mới là
bảo tàng. Mà “có ăn có chọi mới gọi là trâu”, súng
ống thì phải bắn nó mới đỡ hỏng, dẫu là súng ống
trong bảo tàng đi nữa...
Choán chết cả một góc lớn của địa cầu, phần bao
la nhiều gió dữ, khắc nghiệt, tuyết trắng và hoang
mạc lưu đày ấy, Viễn Đông nước Nga là một thế giới
kì bí ngay cả với người đang sinh sống ở đó. Tôi đã
lạc vào những đêm, ở đó các thiếu nữ của một bộ tộc
gì đó, họ nhắc tên mà không dễ gì để nhớ được, chỉ
không bao giờ quên các điệu dân vũ cuồng say của
họ. Mỗi người cầm những ụ lửa lớn buộc vào đầu sợi
dây rồi nhảy múa. Họ đan cài nam nữ vào nhau
trong khi các vòng lửa quay tít biến ảo muôn hình vạn
trạng. Má họ hồng rực trong sắc nóng của than,
trong ánh trăng đỏ khé hắt xuống khung trời lạnh. Họ
tứa mồ hôi, eo họ thon, cái thon của sự vạm vỡ gió
sương khắc nghiệt, chứ không phải thứ đồ ăn kiêng
rồi èo uột ép cân. Ngoài kia, bên bờ biển thăm thẳm
đen, giữa một ngôi nhà tràn ngập tuyết trắng, người
ta đốt đuốc, dựng lều bằng da thú, nhà du mục tròn
xoe và tua tủa các thân gỗ thô ráp dựng ngược lên
nền trời. Cuộc sống trên yên ngựa nó có một sự dũng
mãnh và sức quyến rũ tự thân. Sử sách đều viết: dưới
bóng đổ hùng vĩ của dãy núi Ural, vùng đất huyền
thoại Siberia bị ảnh hưởng sâu đậm “nền văn minh
mang tính du mục” Pazyzyk của người Scythia ở bờ
Tây và người Hung Nô ở bờ Đông. Các dụng cụ
trong ngôi nhà đều ra đời từ một hay một vài sự chết
chóc của hoang thú dữ dằn. Con chó sói hung hiểm
hay thơ ngộ nào đó, vẫn nằm chẫu mõm nhìn gia chủ
ngay cả khi phía sau phom đầu đẹp kiêu kì của nó chỉ
là một bộ da thuộc trưng bày. Chẳng ai khuyến khích
tàn sát muông thú, nhưng cuộc sống Viễn Đông là
vậy. Cây chổi góc nhà cũng là xương thú, thanh
gươm bọc lông thú. Viễn Đông xa đến mức, trong
chuyến trở về Matxcơva, đoàn tôi phải quá cảnh
sang... Thượng Hải của Trung Quốc rồi nối chuyến
bay “nhập” trở lại Nga.
Và họ bán đủ thứ sản phẩm rất Siberia, rất du
mục, có gì đó thật là thảo nguyên và phong cách
miền Hung Nô. Phần lãnh thổ kì bí chiếm 1/3 diện
tích Liên bang Nga đồng hiện ở những gian hàng hội
chợ tại Vladivostok, khi các các cô gái trẻ dịu dàng
cam kết dẫn khách đi thăm hổ Siberia trong rừng
nguyên sinh. “Đây là loài linh vật biểu tượng in trên
huy hiệu vùng Viễn Đông, chúng tôi mở tour đã nhiều
năm và tự hào vì đàn hổ hoang dũng mãnh của quê
mình. Sau khi đi bộ và hạ trại, nếu quý khách không
diện kiến được “chúa sơn lâm” thì cứ đòi lại tiền!”.
Đây, giữa sân bay du mục cách Moscow năm giờ
đường trời, một con gấu tiêu bản to cao hơn người
thật giang tay chào khách đến mua sắm. Đây, một lễ
cúng vương vãi cơm trắng, muối trắng, trứng luộc rồi
thịt mỡ thái cả tảng bày trên lá rừng xanh ngắt. Kia
nữa, một con đại bàng xám đẹp tinh tướng, cong tớn
bộ móng vuốt bắt gọn con thỏ trắng toát trong tích
tắc. Rồi lũ chó sói nằm thuồi luồi dán da thịt lông lá
xám trơn vào bờ tường, trong khi bộ thủ cấp với
gương mặt đẹp hoàn hảo của chúng vẫn ngơ ngác
nhìn thế sự như một Totem Sói đang lồng lộn cuồng
quẫy ngoài thảo nguyên. Một bộ móng vuốt ác điểu
kèm theo cả cặp giò dài lông lá của ngài (hoặc nàng)
được treo bán một cách khêu máu giang hồ nhất. Tất
cả thế giới hoang dã nguyên bản đó, họ trưng bày
ngoài sân bay, giữa một không gian ấm sực máy điều
hòa và nồng đượm mùi nước hoa. Viễn Đông, cứ thế
hoang dã bí ẩn ngay cả trong những không gian
tưởng như lẽ ra phải tân thời nhất.
Khái niệm vùng Viễn Đông, là một cụm từ mở,
trong cảm nhận của rất rất nhiều người, nó khá mơ
hồ về mặt địa lí. Nhưng nó rất rõ ràng về cảm nhận.
Tôi cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” một chuyến, đi vài
ba địa điểm, gặp vài xác sói hoang, ngó vài căn lều
du mục với da thú bảo bọc đậm cái biên thùy gió lộng
vậy thôi. Viễn Đông - Siberia thời ông Puskin bị lưu
đày, đến giờ đã khác lắm rồi. Nhưng trong eo thon
của các cô gái cầm các cục lửa nhảy múa theo từng
nhóm, từng đoàn để mồ hôi rơi trên tuyết trắng phủ
lên nóc lều trải lông hoang thú kia, người ta có thể
thấy rõ: huyết quản các cô vẫn như muôn năm cũ. Có
gì đó luôn khoáng đạt và có gì đó quá digan. Vẫn
như cái thuở cha ông họ đội mũ lông thú, mặc giáp
khoác khiên và xách “nỏ thần Cao Lỗ” bảo vệ pháo
đài ven biển...
Tôi nghĩ vậy, rồi lại băn khoăn, chắc chả phải thế,
mà có thể đúng như thế thì sao. Gió vẫn thổi miệt mài
trên núi Tổ Đại Bàng, vịnh biển Golden Horn vẫn xanh
đỏ tím vàng rực rỡ các cánh buồm no gió trong trong
những hoàng hôn đẫm đùa nắng. Gió dũng mãnh
băng mình trên Siberia. Gió thổi đến nỗi cỏ cây không
ngóc đầu lên được. Những con sói hoang vừa đẹp
thơ ngây lại vừa ranh mãnh hung hiểm vẫn trải da
lông mượt mịn trên nhiều bờ tường phố thị Vladivostok
cùng các sân bay, bến cảng Viễn Đông khác. Một
đêm đi dạo mơ màng ở cực Đông lãnh thổ Nga, tôi
đã rùng mình thấy chúng kéo bè kéo lũ, cất tiếng hú
lộng óc rồi thập thò rình mò ven các tán cây hum hủm
tối của công viên. Chắc chả phải thế.
Một góc cuộc sống đặc trưng
của vùng Viễn Đông hoang vắng
nổi tiếng trên địa cầu