Xuân Mậu Tuất 2018
53
lịch được vài năm, dựng căn nhà sàn
làm homestay, nhận phục vụ ăn
uống ngay tại nhà, nhưng đồ ăn có
gì thì ăn nấy chứ không phong phú
như nhiều vùng du lịch khác. Tuy
vậy, so với chục năm trước, Y Tý đã
chuyển mình.
Đêm Y Tý chung chiêng trong men
rượu người Dapo. Chuyện thôn nọ
bản kia cúng tế, mở hội, cấm bản,
chuyện dưới Mường Khương, Si Ma
Cai có hội gầu tào, say sán. Bên
Trung Quốc có chợ phiên. Người dưới
xuôi hẹn hò với mùa xuân đi chơi núi.
Người vùng cao lại hẹn đi chơi với
bạn láng giềng. Ai cũng tự tìm cho
riêng mình một con đường mùa xuân.
Quá nửa đêm, nhóm bạn mới lần
mò vượt màn sương từ Sa Pa đến
được trung tâm chợ Y Tý, thế mà 4
giờ sáng đã lục tục gọi nhau lên Ngải
Thầu săn mây, tôi dù không đi cũng
tỉnh luôn tới sáng. Buổi sớm mai đầy
sương giăng và gió lạnh, mây mù
lách mình len qua khe cửa vào phòng,
giường chiếu, chăn màn trở nên lạnh
ngắt, có muốn nằm ngủ rốn cũng khó
mà yên thân.
Y Tý nằm ở độ cao trên 2.000
mét, được bao bọc bởi dãy Nhĩ Cù
San lừng lững mây trời, vào ngày trời
quang, ngước mắt nhìn lên lưng núi,
thấy lấp lánh dăm ba dòng thác đổ
xuống như những sợi chỉ bạc vắt mình
giữa đại ngàn. Khí hậu nơi đây quanh
năm mát mẻ, mùa hè cũng lạnh, nói
chi đến mùa đông.
Tôi đứng trước hiên nhà, nhâm nhi
li café pha vội, câu chuyện với A Hờ
cũng vội. Hôm nay trên cửa khẩu
Thiên Sinh có hội mừng năm mới, lúc
tôi từ trên gác nhà lò dò xuống đã
thấy A Hờ quần áo chỉnh tề, đầu đội
mũ phớt, sẵn sàng du xuân. Trước khi
vào bản, A Hờ cẩn thận chờ dặn
chúng tôi vài lời về phong tục của
người Hà Nhì trong ngày lễ cúng cấm
bản. “Đồng bào có thể tha thứ không
phạt các thầy cô giáo đi xe máy vào
ngày cấm bản, vì thầy cô là người
dạy học cho con mình mà, nhưng
khách lạ là sẽ bị phạt một trăm, hai
trăm ngay, nhớ không được đội mũ,
che ô, đeo balo trên hai vai, chỉ được
xách một tay khi vào thôn của người
Hà Nhì nhé”. Việc để người lạ vào
bản chơi đúng dịp này cũng đã là một
sự ưu ái của đồng bào dành cho du
khách rồi, nên hơn ai hết, chúng tôi sẽ
càng phải thận trọng để không vi
phạm vào những điều cấm kị.
Lao Chải và Chỏn Thèn là hai thôn
của người Hà Nhì nằm gần trung tâm
xã Y Tý nhất, chỉ cách A Hờ homestay
chưa đến nửa giờ đi bộ. Từ trên cao
nhìn xuống, những thôn bản này
trông như miền cổ tích bởi những mái
nhà trình tường lúp xúp như nấm rơm
nằm san sát quần cư. Ở nơi biên
cương nhọc nhằn xa ngái, hình như
mùa xuân cũng len lén gõ cửa từng
nhà, chỗ này đào vẫn gom nhựa cho
hoa, nhà bên kia mận đã xanh mướt
mải. Chỗ khác hoa mận đã trắng
cành, đào vẫn như cây củi vụn.
Không phải ngày nắng lạnh, không
có những đám mây trắng ùa về từ
trên đỉnh núi, bồng bềnh trôi qua cánh
rừng, thung lũng, thôn bản. Không
rực rỡ trong màn sương và nắng quái
nhưng Y Tý ấm áp làm sao bên bếp
củi đang reo lách tách giữa căn nhà.
Bếp lửa ở phía trước bàn thờ, nên
tôi phải ngồi ghé sang cánh trái. Bà
mẹ Hà Nhì trong bộ quần áo chàm
đen đang cơi hồng bếp củi, đặt ấm
nước sôi pha trà. Có rượu mời ngày Tết
nhưng khách sợ say nên xin uống chén
trà cho ấm bụng, tranh thủ ngồi hỏi
chuyện chủ nhà. Ngoài sân, đám trẻ
nhỏ chạy qua chạy lại, đàn chim cu gù
dưới chái nhà. Lặng lẽ, nhỏ nhẹ đến
mức, nếu không nhìn thấy phía sau
đống củi xếp cao ngoài sân là những
cành hoa mận trắng toát trên nền trời
băng giá, tôi đã nghĩ, hình như mùa
xuân chưa kịp đến nơi này.
Khi tôi chạy xe qua Dền Thàng,
Dền Sáng, hay chạy qua A Lù, A
Mú Sung, dù là xuân, hạ, thu,
đông, người Mông, người Dao
trên đỉnh trời Y Tý vẫn lặng lẽ
ngồi thêu thùa ngoài sân nhà,
trên đỉnh đồi. Có phải họ sẽ vẫn
ngồi thêu như thế, dù thung lũng
kia đang vào mùa lúa chín; có
phải họ sẽ mặc kệ những gốc
đào, gốc mận đang lặng lẽ kéo
xuân về trong giá rét, nở bung
trên từng cánh hoa? Có phải
trên đỉnh trời Y Tý, mùa nào cũng
như thể mùa xuân?
Y Tý - miền cổ tích
Sắc xuân Y Tý
Dệt mùa xuân
Bên bếp lửa hồng