Xuân Canh Tý 2020
51
S
uốt mấy tuần sau ngày rời tàu HQ 936, tôi vẫn
chưa thoát ra khỏi trạng thái chòng chành.
Nhớ con tàu, nhớ biển đảo, nhớ Hạnh, Kiều,
Tuấn, Khiên, Hùng..., những người lính hải
quân với gương mặt hiền lành, trong trẻo và nhiệt
tình. Nhà văn Mỹ John Steinbeck từng viết trong cuốn
“Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ” rằng: “Không
phải chúng ta làm nên các cuộc hành trình mà là các
cuộc hành trình làm nên chúng ta”. Có lẽ hành trình
đến với Trường Sa cũng chính là hành trình đưa tôi
đến gần với tâm thức của mình hơn, gần với những
giá trị mà bấy lâu nay tôi vẫn tìm kiếm trong vô thức.
Hành trình ra với Trường Sa cũng chính là một hành
trình nội tại trong con người tôi...
Buổi sáng thức giấc, mặt trời đã chói lòa trên biển.
Mênh mông trời biển một màu mực Cửu Long xanh
thẫm. Những vảy muối trắng li ti bám khắp nơi, trên
cả tóc và môi, mằn mặn. Từng đàn cá chuồn bay theo
đường vòng cung lấp lánh, trông thật vui mắt. Lòng
nhẹ nhõm, bình an, trong trẻo đến lạ kì. Phía đường
chân trời đột ngột xuất hiện bóng con tàu, nhỏ xíu
như một hạt đậu, hình như là tàu đánh cá của ngư
dân mình. Nhìn ra mặt biển sáng, mênh mông tít tắp,
thấy loài người nhỏ xíu và cô đơn trên trái đất bao la
này! Ở trong đất liền, dường như ai cũng mắc bệnh
“thiếu đường chân trời” (Nguyễn Tuân). Còn ở đây,
chúng tôi đang được đường chân trời bao bọc. Nếu
lấy con tàu HQ 936 này làm tâm, quay một vòng thì
đường chân trời chính là vòng tròn compa đó! Nằm
võng đọc cuốn sách của nhà văn Nguyên Ngọc.
Trong hành trình lênh đênh trên Biển Đông, đọc cuốn
Có một đường mòn trên Biển Đông cảm nhận một lớp
nghĩa khác, sâu hơn, rõ ràng hơn về số phận con
người và quá khứ bi hùng của dân tộc.
Đêm khuya, chúng tôi cùng những người lính hát
dưới bầu trời đầy sao. Ngửa mặt nhìn lên thấy bầu trời
như một chiếc lồng bàn khổng lồ úp xuống. Khi con tàu
lắc lư, chòng chành, có cảm giác như những vì sao
đang nhảy múa. Một nhà thơ trong đoàn đọc bài thơ
Đất nước
của Nguyễn Đình Thi. Dù tôi đã đọc bài thơ
này nhiều lần rồi, nhưng khi những vần thơ ấy cất lên
giữa biển khơi huyền bí, tôi cảm thấy nỗi xúc động
dâng lên đầy lồng ngực, gai ốc nổi dọc hai cánh tay.
Thủy thủ ngủ lăn lóc khắp trên boong tàu. Trên mũi tàu
vượt sóng, thấy mình như đang bay về phía trước. Có
lẽ, một trăm năm nữa cũng không thể có được khoảnh
khắc này - khoảnh khắc sống đủ đầy! Phía dưới boong
tàu, mọi người vẫn say sưa hát, tất cả hồn nhiên như
trẻ nhỏ, bởi mọi vướng bận, toan tính đều đã để lại hết
trong đất liền…
Chia tay đảo Song Tử Tây, từ trên tàu nhìn vào,
thấy ngọn hải đăng sừng sững giữa biển cả. Dáng vẻ
kiêu hãnh và cô đơn của nó khiến tôi nao lòng. Hải
đăng luôn đứng tách biệt một mình, với sứ mệnh dẫn
dắt và chỉ lối cho những con tàu. So với những ngọn
hải đăng trong đất liền, hải đăng ở Trường Sa chơ vơ
và cô độc gấp bội phần giữa xung quanh là bốn bề
sóng gió đại dương… Đứng trên boong tàu nhìn theo
ngọn hải đăng trên đảo Song Tử Tây xa dần, cho đến
khi nó chỉ còn là một chấm nhỏ xíu, tôi nhận ra chính
cái chấm nhỏ ấy đã góp phần thắp sáng chủ quyền
Trường Sa khi ngày đêm nó âm thầm, bền bỉ phát đi
những tín hiệu để tàu bè quốc tế qua đây nhận biết về
vùng biển đảo của Việt Nam.
Không có dáng vẻ uy nghi như hải đăng Song Tử
Tây, nhưng khi ánh chiều vàng nhạt buông xuống mặt
biển, ngọn hải đăng ở Trường Sa Lớn mang một vẻ nên
thơ, thanh bình rất quyến rũ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn
nhớ như in dáng ngồi im lìm của một người gác đèn bên
ngọn hải đăng ở Trường Sa Lớn. Ráng chiều như mật
trùm lên ngọn đèn biển, bóng người ngồi bất động nhìn
ra biển khơi. Không biết người gác đèn đang nghĩ gì
trong cái khoảnh khắc ấy? Tôi cũng đã từng bắt gặp cái
dáng ngồi bất động và nhìn đăm đăm ra biển này của
những ngư dân làng chài ở Quảng Ngãi. Ở họ đều toát
lên sự vững chãi của những người sống với biển, mang
tâm thức biển cả. Tôi chỉ có một buổi chiều bên ngọn hải
đăng đó để mà nhớ, để mà thấy nó thật nên thơ, lãng
mạn. Nếu phải gắn bó đời mình với ngọn đèn biển ấy
suốt hơn chục năm trời như những người gác đèn, liệu
tôi có đủ sức chịu đựng, đủ lòng yêu nghề để tìm thấy ý
nghĩa của sự cô đơn nơi đầu sóng ngọn gió này? Những
ngọn đèn biển chỉ thực sự sống đời sống của nó khi đêm
về. Ánh sáng hải đăng dẫn dắt những con tàu đi trong
đêm tối trùng khơi. Và ánh sáng đó sáng lên nhờ sự bền
bỉ, âm thầm của những người gác đèn biển.
Chia tay những ngọn hải đăng ở Trường Sa, ngoái
nhìn vẻ kiên gan và cô đơn của nó giữa biển trời xanh
thẳm, tôi bỗng nhớ tới điều mà một người bạn ở Ninh
Thuận đã nói về ngọn hải đăng quê anh: “Đó là sự cô
đơn hữu dụng…”. Rồi tôi lại nhớ đến ông thắp đèn
trong truyện
Hoàng tử bé
của Antoine de Saint-
Exupéry, người mà Hoàng tử bé muốn kết bạn chỉ vì
ông ấy là người duy nhất trong năm ông mà cậu gặp
trên đường “đã biết sống cho một điều gì khác ngoài
bản thân mình”.
Ngọn hải đăng trên đảo Trường Sa
NHỚ CON TÀU
&
ĐƯỜNG CHÂN TRỜI
LƯU HƯƠNG - Ảnh: HẢI HƯNG
Đảo Song Tử Tây
Biển trời Trường Sa