Previous Page  57 / 120 Next Page
Information
Show Menu
Previous Page 57 / 120 Next Page
Page Background

Xuân Canh Tý 2020

57

Nguyên đán của người Kinh, chúng tôi lại phải vội vã

xách balo lên đường, sợ rằng hòa nhập với hòa tan sẽ

làm phai mờ bản sắc văn hóa riêng biệt của từng dân

tộc. Quan điểm gộp hai Tết lại để tiết kiệm chi phí, thời

gian cho người dân xem ra không hợp lí khi người Mông

ăn Tết theo lịch nông nghiệp, khi đồng ruộng ngơi nghỉ

thì họ đón Tết, còn khi người Kinh ăn Tết thì đã đến lúc

phải lên nương phát rẫy làm cỏ chuẩn bị vụ mới.

Ngày Tết cũng là dịp để anh em bạn bè làng xóm tổ

chức mổ lợn, mổ gà mời nhau ăn bát cơm thịt, uống chén

rượu ngô, chia nhau tấm bánh dày, năm nay anh mời tôi,

thì năm sau tôi mời lại anh, nhà khá giả mời nhà ít có điều

kiện bằng, là quãng thời gian để đồng bào thắt chặt thêm

tình cảm, thể hiện tình đoàn kết gắn bó cộng đồng. Vì vậy,

ai bận công việc cứ bận, người Mông đến hẹn lại lên, lại

phong giấy bản mới đón Tết và lại chơi Tết hết mình.

Sáng mồng Một ngủ một giấc thật sâu, không ai

đánh thức, không cả nghe tiếng gà gáy Giao thừa

cất lên vào lúc nào. Lên nhà trên đã thấy Hàng Thị

Sua chuẩn bị một loạt váy áo trang phục người

Mông tuyệt đẹp, được làm bằng tay cầu kì từng

đường kim, mũi chỉ, phối từng sợi hoa văn. Sua bảo,

đây là bảo bối của phụ nữ Mông, mỗi người dù giầu,

dù nghèo ai cũng phải có một bộ, để diện và khi chết

đi thì mặc vào, xuống dưới kia con ma mới nhận ra

mình chứ!

Mới thay xong bộ trang phục bảo bối, còn đang đứng

trước gương chỉnh trang đã thấy mình hẳn là một phần

thực thụ của tết Mông rồi. A Chu đang đợi cả bọn để dắt

sang nhà hàng xóm thăm gốc cây hồng. Cây hồng mùa

đông, khẳng khiu trơ khấc đứng bên hàng rào chằng chịt

củi/cành khô, nghiêng vào vườn rau cải mèo đang trổ lá,

nhựa sống căng ra trên những trái chín vàng, tựa như

những chiếc đèn lồng tí hon đang đốt lửa sưởi ấm cả bầu

trời xám xịt. Lũ trẻ nghịch ngợm trèo lên cây vắt vẻo

trong khi mấy đứa khác chạy lên nương nô đùa.

Chúng tôi chọn một gốc cây khô đã ngã xuống nương

từ bao giờ làm ghế ngồi, kể cho nhau nghe câu chuyện

mùa đông, về những ngọn gió Hua Tát đang phiêu du

trên đỉnh trời, về bản Hua Tạt cuối khúc cua chữ S danh

tiếng. Nơi chúng tôi đang ngồi đây, còn ai nhớ về khu

rừng già Hủa Trắng, tiếng Mông dịch ra nghĩa là bản gốc

cây hoa ban. Nếu đầu dốc chữ S là Lóng Luông thì cuối

bãi là người Mông căng tà (căng tà trong tiếng Mông có

nghĩa là cuối bãi). Nhưng tiếng Thái gọi cuối bãi là hủa

tà, và khi ông người Thái đi khai tên cho bản người Mông

căng tà - cuối bãi, đã khai sinh ra cái tên Hủa Tà, lâu lâu

đọc chệch đi thành ra Hua Tạt.

Ghé qua một hàng xén đầu bãi, chúng tôi mua

vài gói quà Tết được bọc giấy bóng kính lung linh,

chạy xe trên con đường đất gập ghềnh đá sỏi, dưới

bãi những nương chanh leo đang ra quả lúc lỉu xanh

thẫm. Chanh leo là một loại cây kinh tế mới của

người Mông Hua Tạt, cùng với cây mận, cây hồng

giòn đang góp phần khiến cho đời sống của đồng

bào đổi thay sau khi cây thuốc phiện bị nhà nước

phá bỏ và nghiêm cấm. Nhà bác Tráng A Váu hôm

nay mổ lợn, xe đỗ đầy sân, tất cả đều ồ lên khi Tết

năm nay bản có thêm vài người khách lạ dưới xuôi,

lạ mà như quen bởi các vị khách đều được diện

trang phục Mông bảo bối. Rượu ngô rót tràn li trên

mâm cơm mới, tiếng nói tiếng cười vang lên rộn rã

khắp gian nhà chỉ toàn đàn ông bởi đàn bà, trẻ nhỏ

đều đang lúi húi trong bếp. Miếng gà ngon nhất đĩa

được gắp cho khách, li rượu đầy nhất cũng phải

được uống cạn. Năm mới cơ mà, phải uống hết

mình, phải ở lại Hua Tạt ăn Tết hết 3 ngày mới được

về xuôi!

Không biết có phải rượu đã làm tôi say, hay một cái

Tết Mông truyền thống đã làm tôi chuếnh choáng. Bên

ngoài ô cửa kia, mận với đào vẫn đang ủ mình ngủ sâu

trong nụ, chờ ngày nắng ấm để khai xuân!

Chơi Tết hết mình

Cây hồng mùa xuân

Cung đường mùa xuân

Sáng mồng Một Tết ở bản Hua Tạt