Xuân Canh Tý 2020
55
VẤT VẢ SƯU TẦM KỈ VẬT
Ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Đăng Luận ở phường
Minh Tâm - thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) giờ đây đã
trở thành một địa chỉ quen thuộc của những người yêu
thích “đồ nhà quê”. Ông Luận là công an đã nghỉ hưu.
Thời đương chức, ông thường xuyên gắn bó với bà con
miền núi nên luôn muốn khám phá đời sống sản xuất
của họ và có niềm yêu thích đặc biệt với những đồ vật
mà đồng bào các dân tộc tự sản xuất để phục vụ sinh
hoạt gia đình. Khi đó, hễ thấy món đồ nào người dân bỏ
đi, ông liền xin về. Khi nghỉ hưu, ông dồn hết tâm sức
cho việc sưu tầm. Công việc tỉ mẩn, suốt ngày “ăn ngủ”
với các món đồ nhà quê, nên nhiều người gọi ông là “gã
nhà quê” chăm chỉ!
Chính ngôi nhà sàn thoáng mát cũng được ông
Luận mua của người Tày rồi về sửa chữa, cơi nới thêm
cho rộng rãi, vừa làm chỗ ở, vừa là nơi trưng bày. Ông
tâm sự: “Tôi có điều kiện đi nhiều nơi, nhận thấy mỗi
dân tộc có một nét văn hóa đặc sắc riêng. Ngay từ
những ngày đầu công tác vùng cao, trong tâm thức tôi
đã có ý định lưu giữ những đồ vật của bà con dân tộc
miền núi với mong muốn gìn giữ để con cháu mai sau
biết ông cha ta đã có một kho “văn hóa “nông cụ” rất
đậm đà”. Thời gian đầu, sau
mỗi chuyến công tác ông
đều mang về một thứ, lần thì
cái mõ trâu, khi thì cái chổi
bằng lá cọ cũ kĩ hay chỉ là
chiếc lồng chim đan bằng lõi
cây tế... Đến khi gậm giường,
nóc tủ, gác xép trong ngôi
nhà nhỏ của mình đã chật
ních, không có chỗ chứa
nữa thì ông mang sang gửi
nhờ hàng xóm. Giờ có nhà
mới, rộng rãi, ông mới “rước” về, thành lập một bảo
tàng của cá nhân với hàng trăm hiện vật.
Cũng tâm huyết, ông Vi Văn Phúc, người dân tộc
Thái ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông (Nghệ
An) khát khao gìn giữ bảo lưu văn hóa và đã lập một
bảo tàng “hoành tráng” nơi quê ông. Từ năm 1985,
trong quá trình công tác, ông Vi Văn Phúc đã tận mắt
thấy không ít đồ nông cụ của người dân tộc Thái ở phía
Tây Nghệ An bị vứt bỏ, tự dưng ông thấy thương những
món đồ đó. Nào là cày, bừa, cuốc, xẻng. Nào là dao, nỏ,
cung, tên. Rồi cối xay gạo, xay đậu, khung cửi. Hay
cũng có khi là những chiếc ping, lủng, sày người dân
dùng để xúc cá tôm dưới sông, suối. Thương nên ông
nghĩ cách để xin về, gìn giữ ở nhà. Rất
nhiều người thắc mắc, ông không còn
làm ruộng, làm nông nữa, mà là một vị
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND
huyện Con Cuông, rồi Phó Giám đốc sở
Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nghệ An... ông giữ
đồ làm gì? Ai hỏi ông cũng bảo: “Phải giữ
hồn cho người Thái chứ. Vậy thì tôi phải
sưu tầm”.
Trong những chuyến đi công tác ở
Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ
Sơn… được tiếp cận với nền văn hóa đa
dạng cho nên “cái duyên” sưu tầm cổ vật của ông cũng
thuận lợi. Ấy vậy, cũng có người nói ông “năng nhặt”
như thế là có ý đồ gì? Biết được thắc mắc ấy, ông bảo
luôn với người đó: “Tôi là người dân tộc Thái, tôi tự hào
và tôi thấy có trách nhiệm phải giữ những món đồ này”.
GIỮ CHO ĐỜI SAU
Tôi đã gặp không ít người có tâm huyết, mỗi người
một vẻ, nhưng chung đam mê, gìn giữ cho đời sau biết
về những món đồ đã từng gắn bó với công việc sản
xuất của nhà nông, với cha ông một thuở. Ví dụ ông
Nguyễn Quang Mạnh chủ hiệu ảnh Vinh Hoa (TP Bắc
Giang) đang sở hữu một bảo tàng nhỏ với hơn 3.000
hiện vật. Hay cô giáo Ngô Thị Khiếu đã lập cả một Bảo
tàng Đồng quê ở làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao
Thủy - Nam Định). Từ một phòng truyền thống để trưng
bày hiện vật đến thành lập bảo tàng tư nhân có diện tích
hơn 6.000m
2
, với các khu trưng bày trang trọng, ngăn
nắp, mỗi năm đón hàng trăm lượt du khách là cả một
quá trình phát triển dài lâu. Chỉ vì thương đồ nhà quê,
từ năm 1986, ông Trần Phú Sơn ở khu tập thể Vĩnh Hồ
(quận Hai Bà Trưng - Hà Nội), đã gom nhặt và có phòng
trưng bày cá nhân để mọi người được chiêm ngắm.
Ông Sơn bày tỏ: “Người ta sống không chỉ cầu giàu
sang, mà cần cả cái tình với quê hương nữa”.
Cả nước, ước tính có hơn chục bảo tàng tư nhân
như thế. Mỗi người đều có một vùng quê để luyến nhớ,
yêu thương. Đặc biệt, đồng bằng Bắc bộ là vùng trầm
tích văn hóa, với nền văn minh lúa nước lâu đời. Tốc độ
đô thị hóa nhanh chóng, sự lên ngôi của các thứ đồ
nhựa tiện lợi khiến bao món đồ vốn rất gắn bó trong đời
sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân không
còn “đất sống”. Bà giáo Ngô Thị Khiếu - Nam Định chia
sẻ: “Từ năm 1990, tôi thấy cần phải lưu giữ lại, món thì
xin, món thì mua để cho con và các cháu biết được trên
đời có những thứ đồ như vậy. Đó thật sự là những món
đồ đã cùng trải qua một nắng hai sương với người nông
dân, nếu không lưu giữ thì nhiều món đồ sẽ không bao
giờ còn tồn tại”.
“Bảo tàng Đồng quê” của bà Khiếu chính thức hoạt
động từ đầu năm 2012. Khách đến tham quan đều
không khỏi ngạc nhiên về sự đa dạng của các khu trưng
bày. Không ít nhà nghiên cứu văn hóa đã cho rằng, việc
sưu tầm, xây dựng đã khó, việc “nuôi” cho bảo tàng có
sức sống lại là thử thách khó khăn hơn bội phần. Bà
Khiếu đã phải nhờ chồng, các con và các nhà hảo tâm
để có nguồn quỹ trả lương cho nhân viên làm việc tại
đây. Giáo sư Vũ Khiêu trước đây đã ghi nhận về tấm
lòng của bà Khiếu: “Giáo dục giới trẻ bằng kỉ vật như bà
Khiếu cũng là một cách thấm thía, nhân văn”.
HỒN QUÊ TRONG
món đồ dân dã
NGUYỄN VĂN HỌC
TRONG KHI CUỘC SỐNG XÔ BỒ, NHIỀU ĐỒ DÙNG VỐN GẮN BÓ VỚI NGƯỜI NÔNG DÂN NƠI THÔN
QUÊ, VÙNG DÂN TỘC BỊ MẤT ĐI. KHÔNG ÍT THỨ ĐỒ NAY CHỈ CÒN TRONG QUÁ VÃNG. SONG VỚI
TINH THẦN GÌN GIỮ, BẢO TỒN, NHIỀU NGƯỜI YÊU THIÊN NHIÊN, MÓN ĐỒ NHÀ QUÊ ĐÃ QUYẾT TÂM GÌN
GIỮ. BẰNG SỰ DÀY CÔNG VÀ NHIỆT HUYẾT, NHỮNG BẢO TÀNG TƯ ĐẬM CHẤT QUÊ RA ĐỜI.
Mùa xuân về thăm những bảo tàng tư
nhân, “nhận mặt” những món đồ mà
nhiều người từng gắn bó, cũng là cách
sống lại những kí ức, kỉ niệm. Từ đó nhớ
về thời gian khó, giản dị, để sống cộng
sinh với thiên nhiên và trân trọng sức
lao động của con người.
Ông Phúc luôn nâng niu những món đồ xưa cũ
Du khách thăm khu trưng bày nông cụ Bảo tàng đồng quê
Ông Nguyễn Đăng Luận bên bộ đèn cũ