41
kĩ sư ngành Bưu điện, mẹ là giáo viên
dạy Văn. Bé tí đã bắt chước người lớn
phát âm
Max - cơ - va, Khơ - ra - sô
khá chuẩn, ba mẹ cho Mai Anh học
ngoại ngữ luôn. Từ đó, Mai Anh chinh
chiến nhiều cuộc thi và cũng giành lắm
giải thưởng: giải Nhất cuộc thi
Đọc thơ
Pushkin
, giải Nhì tiếng Nga toàn quốc,
thành viên tuyển Olympic tiếng Nga
quốc tế... Nhưng khi chúng tôi chuẩn bị
chọn trường thi đại học, tiếng Nga đã
thoái trào. Các lò luyện tiếng Anh,
không khí tối tối sôi sục
Streamline
ở
33 Nhà Chung mới là mỏ vàng, là nơi
nhiều bạn tôi đang học Nga quyết
chuyển đến. Mai Anh vẫn kiên trì tốt
nghiệp ĐH Ngoại ngữ, được giữ lại
làm giảng viên Khoa Nga, sau đó bảo
vệ thành công Luận án Tiến sĩ Ngôn
ngữ tại Nga… Giờ gặp nhau ở châu
Âu này, lại cùng cảnh xa xứ, tôi thầm
cảm ơn người bạn đã đánh thức tâm
hồn Nga hóa ra còn lưu trong kí ức:
Sầu lắm Nhina đường xa vắng/Ngủ
quên bác xà ích lặng im/Nhạc ngựa
đều đều buông xa thẳm/Sương mờ
che lấp ánh trăng nghiêng
.
TÂM HỒN NGA GIỮA
NHỮNG NGƯỜI UKRAINA
Mai Anh không sống ở thủ đô
Warsaw. Cô cùng chồng và hai con
(trai 10 tuổi và gái 4 tuổi) định cư tại
thành phố nhỏ Opole bên sông Odra,
gần mỏ muối Wieliczka. Khi chui xuống
mê lộ khổng lồ dài 300km dưới lòng
đất này, người hướng dẫn dí dỏm
mách: “Không khí ở mỏ muối rất tốt
cho sức khỏe. Hai giờ tham quan
tương đương tuổi thọ dài thêm hai
tuần. Ngày nào cũng dẫn khách thế
này chắc tôi thọ 700 tuổi”.
Tất nhiên, tôi liên tưởng một đời
sống có thể gọi là thanh lọc trong vắt
của Mai Anh đang có tại đây. Cô có
được những ngày nằm dài trên bãi
biển Địa Trung Hải để “hẹn hò với sách
là một trong những cuộc hẹn hò thú vị
và ít tổn thương nhất”. Cô có những
cuối tuần bận rộn, ưu tiên hàng đầu
cho con cái, nào cho con hoạt động thể
thao, đưa con dự các giải thi đấu cờ
vua toàn trường toàn tỉnh, tham gia
các chương trình biểu diễn piano vì
mục đích từ thiện. Cô có chuyến đồng
hành cùng chương trình
Về nguồn
do
CLB Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu
và Quỹ học bổng Vừ A Dính tổ chức,
cùng đại diện Hội Phụ nữ Việt tại Ba
Lan về thăm, tặng quà cựu tù Côn
Đảo, trao học bổng cho học sinh
nghèo huyện Côn Đảo... Cô cũng có
những buổi tối tỉ mỉ chuẩn bị một nồi
phở thơm mùi hồi quế chờ chồng về.
Và cô cũng có những buổi sáng mùa
đông thong thả thức dậy, pha một cốc
nước ấm pha mật ong chanh đào,
chậm rãi tận hưởng “góc nhỏ Hà Nội ở
Ba Lan” của riêng mình. Nào phải
tưởng tượng xa xôi, đó chính là sự
thành đạt của người phụ nữ rồi.
Thế còn tiếng Nga? Lỗi mốt hay
hợp thời, những gì học được mới là
thứ thực sự sở hữu. Mai Anh bảo mỗi
năm, khi 20/11 gần tới, cô lại nôn nao
bồi hồi nhớ nghề cũ. Sinh viên từ thời
ấy, gia đình, bạn bè thân vẫn gửi lời
chúc mừng. Thầy cô trong Khoa Nga
(ĐH Ngoại ngữ) vẫn trìu mến gọi Mai
Anh là sinh viên kiêm đồng nghiệp cũ.
Năm 2007, vừa tròn 20 năm gắn bó
với tiếng Nga cũng là lúc Mai Anh
quyết định theo chồng bỏ cuộc chơi.
Nào có dễ dàng. Nhớ tiếng Nga nên cô
giữ thói quen xem truyền hình Nga,
nghe nhạc Nga, nói tiếng Ba Lan cũng
pha giọng Nga. Nhưng điều Mai Anh
không hề chuẩn bị trước, đã tới một
cách bất ngờ: đang có hơn 50 nhân
viên Ukraina làm việc trong các nhà
hàng của gia đình cô. Có lần tôi hỏi:
“Cậu có thiên vị, ưu tiên nhận người
Ukraina vào làm việc không đấy?” Mai
Anh không chối: “Có tình cảm với họ
hơn chứ. Vì mình có thể nói chuyện
với họ bằng thứ tiếng vô cùng thân
quen. Vì thông cảm hoàn cảnh những
người phải xa quê, xa gia đình, nương
nhờ nơi khác kiếm sống. Những câu
chuyện họ kể về một đời sống đang
bình yên bỗng chốc xáo trộn, về những
ngày phập phồng tính mạng bị đe
dọa... làm mình xúc động”
Mùng Một Tết cổ truyền hàng năm,
các nhân viên người Ukraina và Ba
Lan đã quen thông lệ thế nào ông bà
chủ cũng từ Opole lên, đến từng nhà
hàng trao phong bì đỏ mừng tuổi và
mời họ ăn bánh chưng. Có nhân viên
làm việc lâu năm còn tinh đến mức
“bánh chưng năm nay nhiều đỗ xanh
hơn, bánh chưng năm ngoái rền dẻo
hơn.” Rồi bạn Nga, bạn Ba Lan, người
nước ngoài ở Ba Lan thấy Mai Anh
mặc áo dài đẹp quá, đều nhờ mua
hoặc đặt may hộ một bộ. Coi như phu
nhân Trần Hoàng Mai Anh, người luôn
nhận mình là một “tâm hồn Nga” đã lan
tỏa cả tâm hồn Việt đến những người
bạn Ba Lan, Ukraina... rồi.
Bài:
KIỀU BÍCH HƯƠNG
(từ Bỉ)
Ảnh:
MAI ANH