Xuân Đinh Dậu 2017
C
húng tôi trở lại cao nguyên đá Đồng Văn
vào cuối mùa tam giác mạch. Những cánh
đồng hoa đã lụi tàn giữa mùa đông, nhưng
nhiều du khách vẫn háo hức đi về miền đá.
Với chúng tôi, tam giác mạch không phải điều xa lạ,
những tháng năm Đồng Văn chưa được đánh dấu
trên bản đồ du lịch, không biết bao lần chúng tôi đã
được thả mình trên cánh đồng hoa.
Ngày trở lại cao nguyên, trời không có nắng.
Mùa đông chưa lạnh nhưng sương giăng mưa phủ
cũng đủ mang đến chốn biên cương một không
gian trầm mặc, lạnh lùng. Tìm mãi mới có được một
phòng nghỉ ở Mèo Vạc, thị trấn mà năm năm trước
đây, nghe cái tên thôi cũng đã cảm nhận sự heo
hút cách trở đến tận cùng. Hỏi thăm các đoàn xe
du lịch lớn nhỏ mới thấy, từ Quản Bạ, Yên Minh lên
đến tận Đồng Văn, Mèo Vạc, đều có chung hiện
tượng “cháy phòng”...
Rời khỏi quốc lộ 4C, con đường mang tên Hạnh
Phúc mắc ngang lưng chừng trời cao nguyên đá,
chúng tôi nhằm hướng Sơn Vĩ mà đi. Dòng Nho Quế
vẫn đây, nước vẫn xanh mà sao nhiều quá những
khúc sông trơ cạn, thủy điện nào đang tích nước đã
làm thay đổi cả dòng chảy huyền thoại với dân
phượt này?
Qua cầu Tràng Hương, con đường vòng lên cao
tít. Càng lên cao, nhìn ngược về Mã Pì Lèng, càng
thấy cao nguyên đá đẹp dữ dội và hùng vĩ. Cảm
giác nghẹt thở vì gió, vì không gian, vì núi đá nhấp
nhô, vì thung lũng thẳm sâu và vì cả sự đơn độc trên
đường dài xa tắp. Không dễ gì, không ở đâu trên
dải đất hình chữ S này mang lại cảm xúc đường
trường mãnh liệt đến thế như đường lên Xín Cái,
Thượng Phùng hay Sơn Vĩ. Đó là đường tuần tra
biên giới trên địa đầu cực Bắc, với vô số những cột
mốc đá hoa cương lạnh lùng mà máu nóng. Chuyến
đi trở lại Đồng Văn, tự lúc nào, đã thành một chuyến
đi “kiểm tra mốc” trên dặm dài biên giới. Sao tôi
nghe trong lồng ngực, tiếng nhịp tim đang đập hối
hả, rộn ràng.
Chiếc xe dừng lại, bởi có một cột mốc nằm ngay
trên sống yên ngựa trên địa phận xã Xín Cái huyện
Mèo Vạc, cột mốc 489. Ngay phía sau là một hàng
cột vững chắc nhưng lại được sơn hai màu yểu điệu
trắng hồng. Tôi đi lên phía trên đỉnh đồi bởi muốn
ngoảnh nhìn lại con đường tuần tra biên giới vốn dĩ
mang trong lòng bao nhiêu máu xương và nước mắt.
Bên này Việt Nam, bên kia Trung Quốc. Thảm cỏ
dưới chân tôi không xanh non, nõn nà mà táp cháy,
khô khốc nhưng dường như nó vẫn ráng vươn mình
để được xanh.
Rời cột mốc 489 và cách đó không xa là cột mốc
485 với cảm giác rõ rệt về biên giới giữa hai quốc
gia, chúng tôi tiếp tục theo đường tuần tra biên giới
với mong muốn tìm được con đường nối thông từ xã
Sơn Vĩ (Hà Giang) sang đất Đức Hạnh (Bảo Lâm -
Cao Bằng) mà không phải đi bè mảng vượt sông
Nho Quế.
Sơn Vĩ là xã cực Đông của tỉnh Hà Giang, phiên
âm địa danh có thể hiểu là đã đi tới điểm tận cùng
của “đuôi núi”. Đâu đó trên con đường chúng tôi đi
là những công trình xây dựng đang ngổn ngang,
những công trình vươn mình ra biên giới, để giữ đất,
giữ dân, nối rẻo cao với đồng bằng, giúp cho cuộc
sống miền biên viễn ngày một khấm khá, ấm no hơn.
Không mất quá nhiều thời gian để xin phép được
chạy xe ô tô tới tận chân mốc 504 thuộc quản lí của
đồn biên phòng Lũng Làn (Sơn Vĩ). Con đường đá
sỏi cắt ngang một hẻm núi, sang bên này đã là đất
Trung Quốc rồi. Mốc 504 đặt khá cao so với mặt
đường, có đường dẫn lên bằng các bậc thang, được
ke bờ cẩn thận để tránh sạt đất, nhìn ngược lại phía
Việt Nam có thể thấy con đường tuần tra bám quanh
vách núi, vòng vèo đến chóng mặt.
Vị trí và không gian đặt mốc 504 có chút gì khiến
tôi liên tưởng đến mốc 0 A Pa Chải nằm giữa rừng
cây, gió biên cương lồng lộng, cô độc và lặng lẽ.
Khoảng thời gian ngồi quanh cột mốc với cuốn bản
đồ, cốc cafe đun vội, câu chuyện không đầu không
cuối với bạn đồng hành luôn là những kí ức sâu đậm
nhất của hành trình trên dặm dài biên giới. Một chút
xúc động trong nhịp đập thiêng liêng, một chút bình
yên trong lặng lẽ, một chút tự hào trong xa xôi cách
trở. Trên “đuôi núi” Sơn Vĩ hẳn vẫn còn những cột
mốc khác đang chờ dấu chân người lữ hành. Liệu
chúng tôi sẽ còn đi được bao xa?
Dừng xe tại ngã ba chợ trung tâm Sơn Vĩ để hỏi
thăm, nơi vào ngày 28/3 Âm lịch hàng năm có một
phiên chợ “phong lưu” như là chợ tình Khâu Vai
danh tiếng trên miền đá, người dân nơi đây khẳng
định, chỉ có thể dắt xe máy để sang đất Đức Hạnh
(Cao Bằng) nên cả nhóm đành phải ngậm ngùi quay
xe ra. Đến ngã ba đi Thượng Phùng, Xín Cái tiếp tục
nhằm hướng cửa khẩu Săm Pun (Việt Nam) - Điền
Bông (Trung Quốc) mà đi.
Cột mốc 476 trong mùa
quả tình
của cao nguyên
đá, thứ quả dại mọc đỏ rực đất cao nguyên những
ngày cuối năm sương gió. Người Mông ở Đồng Văn
gọi
quả tình
là cây
mạc khẩu ên
, người Tày gọi tên là
cây
tri xả,
vốn chỉ là thứ cây cỏ thuộc về núi rừng,
trâu bò cũng không ăn, nhưng lại là món quà vặt
của nhiều đồng bào trên cao nguyên heo hút. Ăn
vào thoạt tiên hơi chát, nhưng để một lúc thấy có vị
ngọt đọng lại trên đầu môi, cũng là một thứ tạo niềm
vui trong những lần lên núi, đi rừng, chăn trâu, hái
củi của đồng bào.
Những dặm dài biên giới như được tiếp thêm lửa
từ
quả tình
, thứ cỏ cây mang tên tôi tự đặt cùng hàng
chục năm thương nhớ trên địa đầu Tổ quốc. Con
đường tuần tra thêm lần nữa đưa chúng tôi đi lên
cao mãi, trên ấy là Thượng Phùng. Càng đi, mưa
càng nặng, gió càng lạnh, núi rừng, cây cỏ như chìm
nghỉm trong mành sương. Tôi mở cửa kính cho cái
không gian thở ra khói ấy tràn vào xe, gió lạnh, mưa
táp. Nhưng tôi biết, bàn tay mình đang nắm tay bạn
đồng hành, ấm áp xiết bao...
Sơn Vĩ
Những dặm dài
biên giới
Bài:
THỦY TRẦN
Ảnh:
TUẤN PHONG
Cột mốc 504 nhìn sang phía Trung Quốc
Trên dòng Nho Quế
Một bé gái dân tộc trên đường đi học về
57
Cao nguyên đá Đồng Văn