63
P
hải mua mứt thôi. Tết mà không
có hộp mứt là thiếu đấy. Tết phải
đủ các món: bánh chưng, xôi, giò,
mứt, hoa đào, hoa mai, rồi chậu quất…
Mứt có nhiều loại lắm, mua sao đây? Một
là mua một hộp nhiều loại mứt. Hai là
mua mỗi loại mứt 2 - 3 lạng rồi về bày đĩa,
bày vào hộp chuyên dùng. Chà, bây giờ
nhiều bánh kẹo quá, của ngọt nhiều quá,
sắm Tết là phải mua cho đúng lệ, chứ ăn
có bao nhiêu nữa đâu.
Đây rồi, chẳng cần đến phố có hàng
mứt nữa mà ngay góc chợ Tết cũng la liệt.
Mứt xếp trong từng lọ. Mứt đổ đầy từng
chậu. Màu trắng của mứt dừa, mứt bí.
Màu đỏ của mứt cà rốt, mứt quả… Từng
sợi mứt. Từng quả mứt. Từng miếng mứt.
Nhón một quả nhỏ xíu bỏ mồm chăng?
Nhặt một miếng mứt phủ đầy đường cắn
chút chăng? Lâu không ăn, nhìn là muốn
nếm rồi. Chẳng biết mua loại gì, mua thế
nào cho ngon và đủ đây.
Lượn sang hàng bên thấy các hộp mứt
đóng sẵn. Qua lớp bóng kính đã có thể
nhìn thấy gồm những mứt gì. Nhà hàng
xếp khéo về màu sắc và loại hình, nhìn
ngon và đẹp lắm. Vỏ hộp mang nét Tết
cổ truyền với các hình ảnh dân gian. Mua
hộp về đặt lên bàn thờ thắp hương là trang
trọng, hợp cách nhất. Chọn thêm vài loại
mứt, có thể cả nhà thích ăn chăng.
Lang thang phố vừa sắm Tết vừa chơi
chợ Tết như chẳng muốn về. Nhiều hàng
quá. Mua gì và không mua gì đây. Tết
Nguyên đán nao nức và thiêng liêng sao.
Xã hội đổi thay, cuộc sống đổi thay nhưng
Tết cổ truyền trong lòng người khi nào
cũng vậy. Nghĩ về thời bao cấp mà bâng
khuâng, mà thương nhớ làm sao. Mứt bán
theo bìa mỗi nhà mỗi hộp. Đi qua phố
Bà Triệu có cửa hàng bánh mứt kẹo. Có
nhiều chỗ bán mứt Tết nhưng phải mua ở
đấy mứt mới thơm ngon. Lan tin vậy chứ
có mỗi hộp, cả năm mới được ăn, cả nhà
cùng ăn gì mà chẳng ngon. Hộp đơn giản,
hình vuông, chỉ đề mứt Tết và tên nơi sản
xuất. Mứt bên trong sơ sài. Quất 2 - 3 quả,
lạc khoảng 2 chục viên, mấy loại mứt ướt
hoặc dễ ỉu để trong túi, rồi lại xếp vào túi
nylon vừa lọt hộp. Đơn giản vậy mà xếp
hàng từ mờ sáng đến trưa, có khi tới chiều
mới mua được hộp mứt…
Hộp mứt phân phối, chờ đợi lâu mà
mở ra ít quá. Nhiều nhà bày thêm một
số loại mứt dễ làm. Mứt gừng này. Mứt
khoai tây này - mà khoai tây thời đó bán
ăn độn với cơm nên sẵn lắm. Mứt cà rốt
này. Khéo tay thì trắng thì thơm. Vụng tay
thì cháy, thì đường dính chảo. Chẳng sao.
Vỡ vụn càng được ăn luôn, ăn sớm. Miếng
mứt lành, đẹp đã được lựa để thắp hương,
mời khách rồi. Thắp hương Giao thừa,
sáng mồng Một xong là cắt bánh chưng,
giò, và… mở hộp mứt. Trẻ con tranh nhau
hạt mứt lạc. Ông bà được mời miếng mứt
quất. Vui lắm. Đầm ấm lắm. Vui nữa là có
khi nhá phải hột lạc thối. Nhả vội vàng.
Vui nữa ăn phải sợi mứt dừa như có mùi
xà phòng. Mua phải hộp làm sớm hết
“đát” rồi. Mà xưa làm gì có cái gọi là đát.
Sữa Ông Thọ bán cho bà mẹ không có
sữa, ít sữa hoặc trẻ sơ sinh còn chẳng có
đát nữa là. Hộp không dán nhãn, hộp méo
xẹo, sữa rót ra vàng khè, bé vẫn bú tốt, lớn
tốt. Cái túi kẹo - nhân gì chẳng nhớ - hột
lạc, cục đường chẳng hạn, bọc bột ngoài
chảy nước bèn gỡ ra, thả vào nước nấu
chè. Cả nhà vẫn mời nhau, nhường nhịn
và cùng nhâm nhi hương vị Tết. Ôi cái
ngày xưa, thiếu thốn vậy, tất tả vì Tết vậy
mà vui, mà ấm cúng. Nào ông nào bà, nào
vợ nào chồng, nào con cháu mỗi người
một việc dọn dẹp, mua sắm, nấu nướng và
bày biện thành Tết. Giờ nghỉ nhiều hơn,
mua sắm tiện thể một lần là đủ Tết. Bao
việc cho Tết khác xưa, sẵn hơn xưa, tiện
hơn xưa. Mứt xịn hơn, mứt nhiều quả lạ
và nao nức cũng khác. Ấy vậy mà có nhà
vẫn tìm mua hộp mứt quen dùng cho đúng
vị Tết cổ truyền.
Hiền Anh
Vị Tết
VTV
cảm xúc
mùa xuân