Previous Page  106 / 120 Next Page
Information
Show Menu
Previous Page 106 / 120 Next Page
Page Background

Xuân Mậu Tuất 2018

106

C

ó những địa danh mang màu sắc của một

giấc mơ, như Tuscany, Istanbul, hay Cuba

chẳng hạn. Tôi luôn mơ một ngày nào đó,

mình sẽ đặt chân đến những miền đất

này. Nhưng, nói ra thì nghe lạ lùng, tôi chưa bao giờ

mơ về nước Mỹ. Có lẽ vì cả thế giới đã mơ về xứ sở

này. Trên phim ảnh, trong sách báo, âm nhạc, thời

trang, các chương trình tivi..., đâu đâu cũng ngập

tràn hình ảnh nước Mỹ. Thế rồi, một ngày, tôi bỗng

nhiên có mặt tại nước Mỹ, nhanh chóng đến độ,

những ngày ở đó, tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang

diễn ra.

Những ngày ở Mỹ, tôi không cảm nhận được gì,

giống như bị tê liệt cảm xúc vậy. Tôi ý thức được

rằng mình đang bước đi trên những con phố nổi

tiếng ở Chicago, St. Louis, Pittsburgh, Washington

DC, New York…, đang đứng trước Nhà Trắng,

đang ở trong lòng nước Mỹ, nhưng cặp mắt tôi chỉ

thu nhận hình ảnh và thông tin vậy thôi, chứ đầu óc

tôi không phân tích, nghĩ ngợi gì nhiều. Cho đến khi

tôi trở về nhà...

Nước Mỹ bắt đầu “tấn công” tôi trong giấc ngủ

ngày mộng mị giữa những khoảng thời gian chênh

lệch múi giờ. Tôi mơ màng không biết mình đang ở

đâu giữa ngày và đêm, giữa đi và về, giữa mơ và

thực... Nhưng có một điều mà trong bất cứ không

gian thực - ảo nào, nó đều hiển hiện rõ ràng, không

nhầm lẫn: nỗi nhớ! Tôi bị nỗi nhớ bao trùm. Trong

cơn mê nhớ đó, những hình ảnh về nước Mỹ bắt

đầu được... phân tích, hiển hiện một cách rõ ràng

trước mắt tôi như đang xem một thước phim quay

chậm. Tôi bắt đầu đắm chìm trong những xúc cảm

Mỹ và lúc này mới thực sự cảm nhận về nước Mỹ từ

khoảng cách nửa vòng Trái đất.

Tôi hầu như không có một tấm hình nào chụp

mình ở những nơi được coi là địa điểm du lịch nổi

tiếng mà tôi đã đến. Một phần vì tôi nghĩ, kí ức luôn

lưu giữ hình ảnh tốt hơn là chiếc máy ảnh. Tôi

không muốn vì mải chụp hình mà bỏ lỡ cơ hội được

ngắm nhìn và đắm chìm vào cảnh sắc xung quanh.

Phần khác, tôi đã “phải lòng” với một nước Mỹ

khác, ít hào nhoáng hơn, ít được biết đến hơn. Đó

là một nước Mỹ nhìn gần thật dễ thương với những

bậc thềm gỗ, vạt hoa dại bên đường, cửa hiệu sách

xinh xắn, hiệu sửa giày thủ công, những khuôn viên

đại học rộng lớn, vắng vẻ, những “thư viện tổ chim”

ở ven đường, trong đó có những cuốn sách hay mà

người đi đường có thể lấy về đọc rồi bỏ vào đó một

cuốn sách khác để tiếp tục chia sẻ kiến thức cho

người khác… Đó là một nước Mỹ với những gói bưu

phẩm được để trước thềm nhà mà không bị lấy

mất, một nước Mỹ luôn biết nhường đường và mỉm

cười giữ cửa cho người đang đi sau mình, một nước

Mỹ tinh tế và lịch sự đến mức, khi tôi mải loay hoay

chụp mấy bông hoa dại trên con hẻm vắng, không

để ý rằng mình đang chắn lối đi, thì anh chàng trẻ

tuổi đang vừa đi vừa nhún nhảy theo điệu nhạc từ

chiếc máy nghe nhạc cá nhân đã dừng chân, chờ

tôi chụp xong mấy bức hình rồi mới đi qua…

Để hiểu một xứ sở, không gì tốt hơn là được

sống cùng một cộng đồng người, trải qua những

ngày thường ở đó với họ, điều mà những tour du

lịch theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” không thể mang

lại. Tôi đã có một ngôi nhà nhỏ bé ở thị trấn

Kirksville (bang Missouri) cho tôi cảm giác như đang

sống ở nhà mình, nghe tiếng chim ban mai mỗi khi

thức giấc, tiếng xe chạy vụt qua trong đêm và đợi

con đi học về mỗi chiều. Tôi đã có một tiệm café ở

góc phố Craig (thành phố Pittsburgh), nơi tôi có thể

thư thái ngồi nhìn người qua đường mỗi buổi chiều,

khi trở lại vào buổi chiều ngày hôm sau thì thấy vui

vui khi người bán hàng mỉm cười nhận ra tôi, một

tiệm sách với những ô cửa màu xanh, nơi tôi có thể

tìm thấy những chiếc đĩa than gợi nhớ những bản

nhạc được cất lên từ cái máy chạy đĩa hát của bố từ

những thập niên 80 - 90 thế kỉ trước…

Một buổi chiều, khi từ Chicago đi Kirksville, tôi

thấy nắng chiều buông nhạt trên xa lộ chạy dài tít

tắp. Cái thứ nắng chiều khiến người ta chùng lòng,

dù ở đây chẳng có khói lam chiều hay cuống rạ

đồng nào cả. Có lẽ, nắng chiều ở đâu cũng thế. Cái

thứ nắng vàng như mật, dịu dàng như “mùa hè rớt”

của Olga Bergon, khiến người ta nao lòng và uỷ mị.

Cái thứ nắng chiều nhấn chìm người ta trong một

vùng kí ức không màu; xa xăm đến độ có vẻ như

nó thuộc về một cuộc đời khác. Trong khoảnh khắc

ấy, nước Mỹ bỗng trở nên thân thuộc với tôi một

cách lạ lùng. Tôi cảm thấy như mình thuộc về

nơi này!

Trong cuốn

Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ

(Travels with Charley in Search on America), John

Steinbeck viết: “Không phải chúng ta làm nên các

cuộc hành trình mà là các cuộc hành trình làm nên

chúng ta”. Nước Mỹ trong tôi là những chuyến đi từ

bình minh đến hoàng hôn. Đó là một nước Mỹ rộng

lớn với chuyến lái xe cả 5 - 6 tiếng đồng hồ để đến

thăm một người bạn, một nước Mỹ có quá nhiều

đường chân trời chạy dài tít tắp qua những trang

trại và đồng cỏ bát ngát, bên trên là bầu trời xanh

ngắt lúc nào cũng có vệt trắng kéo dài của máy

bay. Trong buổi chiều chạng vạng bên cửa hàng

kem nhìn lên ngọn đồi có ngôi nhà thờ nhỏ nhắn và

một nghĩa trang kế bên, tim tôi bỗng nghẹn lại,

thảng thốt trước sự hư vô sâu thẳm của đời người.

Sự thảng thốt lạ lùng lần thứ một triệu. Tôi bỗng

nghĩ đến những nấm mộ nằm rải rác trên những

cánh đồng ven quốc lộ ở miền Trung, nó cũng gợi

nên cái cảm giác đó: thăm thẳm hư vô và buồn da

diết, một nỗi buồn ấm như rượu khiến người ta

chống chếnh, từ bi, muốn yêu thương, muốn sống

đủ đầy...

Cho đến lúc này, tôi vẫn không muốn khuấy

động những xúc cảm mà tôi đã trải qua trong

những ngày ở nước Mỹ. Cứ để yên trong lòng, rồi

một lúc nào đó, đủ lâu đủ xa, đủ tĩnh tâm, tôi sẽ cố

gắng lí giải và suy tư về nó, về một nước Mỹ nhìn

gần của riêng tôi.

nước mỹ

nhìn gần

Lưu hương