Truyền hình
-
43
Phim 1 tập mà trả thù lao theo phim dài
tập thì không bao giờ đạt chất lượng,
phải trả gấp 5 - 7 lần. Quan trọng hơn
là yếu tố con người. VTV phải tổ chức
được mạng lưới đạo diễn “sừng sỏ” thì
phim một tập có thể ngang ngửa với
phim chiếu rạp. Nếu phim chiếu rạp cần
10 tỉ mới làm được thì phim 1 tập có khi
chỉ cần 1 tỉ là có thể làm hay được rồi.
Tại sao chúng ta không nghĩ phim 1 tập
chiếu rạp rồi sẽ chiếu ở Đài nhỉ?
Để phim hay
thì phải là con người
Đã nhiều lần tôi ra nước ngoài xem
thế giới họ làm phim. Khi về, tôi nói với
các đồng nghiệp: tại sao với điều kiện thô
sơ, nghèo nàn thế này mà vẫn làm thành
phim được? Bây giờ VTV bắt đầu kết nối
với các đài truyền hình nước ngoài, đây
là một kiểu học hỏi đáng quý. Tuy nhiên,
tôi mới đánh giá đây là sự đón đầu, còn
thành công đến mức độ nào thì chưa thể
xác định được. Không hẳn do thiết bị kĩ
thuật hay tiền đâu, tiền có thể tạo ra quy
mô chứ để phim hay thì phải là con
người, phải đào tạo, rèn luyện con
người. Chúng ta có Khoa Truyền hình ở
Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh
nhưng liên kết rất lỏng lẻo với VTV. Giá
như VTV đầu tư, tiếp sức cho Khoa
Truyền hình đó thì chúng ta sẽ có một đội
ngũ đạo diễn, quay phim… tốt, phù hợp.
Để phát triển phim truyền hình ngang
ngửa như các nước tiên tiến, ngoài việc
đầu tư về con người, phải có nền kinh tế
phát triển tương đương, vì truyền hình là
công nghiệp, công nghệ. Tôi nghĩ rằng,
đưa phim truyền hình Việt Nam ra nước
ngoài vẫn đang là ước mơ chứ chưa thể
thành hiện thực. Rồi các thế hệ sau sẽ tiếp
nối và hiện thực hóa giấc mơ đó!
Tôi cũng đã đào tạo nhiều thế hệ đạo
diễn của VFC nhưng các bạn ấy tiến
bước theo con đường riêng. Con đường
mà các bạn ở VFC đang đi là xích lại với
quan hệ quốc tế, theo nước ngoài. Và
theo tôi, hiện tại các bạn ấy vẫn đang cố
gắng ở thời kì đón đầu. Việc đón đầu
cũng tốt đấy nhưng việc củng cố ngay
đội ngũ hiện thời cũng rất quan trọng.
Bây giờ các bạn trẻ tư duy khác, nghĩ
khác thời của chúng tôi, người trẻ thực
dụng hơn. Người trẻ đi con đường mà
họ chọn, đó là điều tốt và họ cần phải
chịu trách nhiệm về con đường đó.
Điều tôi ước mơ từ xưa đến nay vẫn
là một trường quay, mình chưa có trường
quay làm phim truyền hình thì không thể
gọi là chuyên nghiệp được. Bây giờ mình
vẫn đi nhặt cảnh ở công ti nọ kia, bối
cảnh nhà mượn thì vẫn là cách làm phim
chắp vá, ăn đong. Tôi vẫn khẳng định
câu tôi đã nói cách đây 20 năm: không
có trường quay thì đừng nói làm phim
truyền hình tốt. Điều kiện tiên quyết phải
có một trường quay được quy hoạch
chuẩn, đầu tư đúng mức và có thể khai
thác làm điểm du lịch, tham quan. Đó là
điều kiện cần và đủ để có diện mạo sáng
sủa hơn cho phim truyền hình Việt Nam
10 năm sau.
VTV đã luyện tôi thành
người không chịu ngồi yên
Tôi từng là một nghệ sĩ làm quản lí
nên khi làm việc vẫn có nhiều cảm tính.
Nghỉ hưu, tôi quay sang đi làm thuê. Bây
giờ tôi “sặc mùi” thị trường bởi vì phim
không ăn khách thì người ta không dùng
và hãng phim của tôi phá sản. Tất cả các
thú đều phải trả giá cả, và để thỏa mãn
thú làm phim, tôi phải phần nào bớt đi
“cái tôi” của mình. Nhưng làm phim tốt
tôi vẫn có thù lao, đó là cuộc chơi chứ tôi
không nghĩ mình chỉ đang đi làm, kiếm
tiền. Vì thế, tôi hết mình với những điều có
thể được trong phim.
Tôi sẽ làm phim đến hơi thở cuối cùng
chứ tôi không chịu ngồi chơi, bởi vì VTV
đã tôi luyện, nuôi dưỡng, giúp tôi trưởng
thành và luôn năng nổ làm việc. 45 năm
VTV thì tôi có tới 35 năm sống trong môi
trường làm việc sôi nổi, trong guồng
quay nhanh đó. Có lẽ vì thế bây giờ sau
8 năm nghỉ hưu tôi vẫn là người năng
động, không chịu ngồi yên. VTV cũng
cho tôi những danh hiệu mà Nhà nước
trao tặng và tôi rất biết ơn vì tất cả điều
đó. Hiện tại, tôi vẫn đang ở trong Hội
đồng nghiệm thu phim của VTV, vẫn
đang được làm phim với tất cả sức lực, trí
tuệ và thẩm mĩ mình có được. Tôi thấy vui
và hạnh phúc!
Thục Miên
(Ghi)
Đạo diễn Khải Hưng đang chỉ đạo diễn xuất trong các bộ phim