Xuân Canh Tý 2020
93
thứ 4 trở đi thì cảm xúc sẽ cân bằng lại, không quá háo
hức, cũng không còn nhớ nhà da diết nữa.
Lang thang ở Lapaz, tôi cố tìm cho được quán Phở
Việt để vơi đi nỗi nhớ. Cậu nhân viên lễ tân cũng thật
tinh ý khi ngưng các bài hát tiếng Tây Ban Nha và thay
vào đó là những bài hát Việt. Ở vùng đất Nam Mỹ xa xôi
này, được ngồi trong quán thiết kế theo phong cách
Việt, thưởng thức đồ ăn Việt, nghe những bài hát bằng
tiếng Việt, thật là một hạnh phúc bất ngờ!
CHILE - MỘT GƯƠNG MẶT KHÁC
Do đã quen với nét mộc mạc ở Peru và Bolivia nên
tôi thấy rất nhiều khác biệt khi đến Chile. Một đất nước
phát triển, từ hạ tầng giao thông cho đến cách ăn mặc
của người dân và cả chi phí. Đây là đất nước đắt đỏ nhất
trong 4 nước Nam Mỹ mà tôi đã đi qua.
Những ngày cảm thấy bình yên nhất là những ngày
đạp xe dạo quanh bờ biển ở đảo Phục Sinh, nghe
những cơn sóng vỗ rì rầm ập vào vách đá, bắt chuyện
cùng bác thủy thủ già về hưu, cùng nhau câu cá. Hay
lúc lang thang trong công viên quốc gia Torres Del
Paine, nhìn tuyết phủ trắng xóa cả một vùng, cái lạnh
như cắt vào da thịt, bỗng thấy nhớ quá nắng ấm nhiệt
đới quê nhà phương Nam.
MẤT HỘ CHIẾU Ở ECUADOR
Lí do tôi ghé Ecuador cũng thật đơn giản, chỉ là vì
Ecuador miễn visa du lịch cho công dân Việt Nam. Vậy
là tranh thủ ghé chơi vài ngày, leo núi tuyết, dạo quanh
thủ đô Quito rồi tìm đường đến thành phố cổ Cuenca.
Đêm cuối ở Quito, ngồi chờ chuyến xe đêm ở bến
xe phía Nam đi Cuenca, cảm giác thật lạ, nỗi nhớ nhà
da diết lại quay về. Mở nghe những bài hát Việt tôi chìm
vào giấc ngủ lúc nào không biết. Đến khi giật mình tỉnh
giấc thì đã gần nửa đêm, kiểm tra lại hành lí, gần như
đầy đủ, chỉ thiếu mỗi hộ chiếu. Một cảm giác hụt hẫng,
chơi vơi choán hết tâm trí lữ khách đêm đông xa nhà.
Quay về khách sạn, tôi cố gắng mọi cách
để tìm lại hộ chiếu, báo cảnh sát, dán tờ rơi
nhờ người dân tìm giúp, phấp phỏng hi vọng
suốt 3 ngày, nhưng cuốn hộ chiếu thân
thương đã một đi không trở lại. Hối hả tìm giải
pháp và liên hệ với các Sứ quán Việt Nam tại
Nam Mỹ để làm hộ chiếu mới, tìm đường về
nước. Hai tuần chờ đợi ở Quito là khoảng
thời gian khá dài, mỗi ngày trôi qua là một
ngày thử thách. Càng thấm thía câu: “Đi xa
rồi mới thấy nhớ nhà”.
HẠNH PHÚC TRỞ VỀ
Có lẽ, ngày nhận được hộ chiếu mới (gửi từ Đại sứ
quán Việt Nam ở Brazil sang Ecuador) là ngày vui nhất
trong hành trình hơn 60 ngày của tôi. Lòng tôi như
muốn hát vang thành lời, thu xếp hành lí, chia tay chị
chủ nhà nghỉ đã gắn bó bấy nay, nhìn lại Quito một lần
nữa, tôi hối hả ra sân bay.
Sau chuyến bay dài xuyên Đại Tây dương, thêm
một chuyến bay ngang qua vùng Nam Á, tôi đã có mặt
tại khu vực chờ nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Không biết xung quanh có ai giống tôi không: cảm động
muốn khóc khi được nghe tiếng Việt xôn xao quanh
mình, hạnh phúc lâng lâng khi nhìn thấy những nụ cười
quen thuộc, kể cả của anh sĩ quan biên phòng, hay chị
nhân viên hải quan.
Tôi đã trở về với quê nhà thân thương!
Sông băng ở công viên quốc gia Torres del Paine (Chile).
Đây là một trong những công viên quốc gia đẹp nhất Chile.
Do vị trí địa lí nằm ở cực Nam Chile (gần Nam Cực) nên khí
hậu nơi này khá lạnh.
Một con phố cổ ở Olantaytambo
(Peru) với hệ thống thoát nước có
từ thời Inca. Nền văn minh Inca là
một trong những nền văn minh
phát triển rực rỡ nhất ở Nam Mỹ
với những thành tựu về kiến trúc,
quân sự.
Machu Picchu - thành phố đã mất
của người Inca (Peru). Đây được
xem là công trình tiêu biểu nhất của
nền văn minh Inca.
Cậu bé kiếm tiền bằng
cách cho du khách chụp
hình cùng lạc đà không
bướu tại hồ Quilotoa
(Ecuador).
Những tượng đá Moai trên đảo Phục Sinh (Chile).
Các tượng đá này được người bản địa Polynesia
và Rapa Nui tạo nên trong khoảng thời gian từ
năm 1250 đến năm 1500 để tôn thờ tổ tiên và các
nhà lãnh đạo.
Những cô gái Quechua đang mặc
trang phục truyền thống tham gia
lễ hội địa phương ở Olantaytambo
(Peru). Người Quechua là dân tộc
bản địa sống tập trung ở dãy
Andes (Nam Mỹ), phân bố nhiều
nhất ở Peru và Bolivia
Những món quà lưu niệm ở chợ San Pedro (Cusco - Peru)
Một lễ hội sặc sỡ sắc màu
ở thủ đô Santiago (Chile).