Previous Page  97 / 120 Next Page
Information
Show Menu
Previous Page 97 / 120 Next Page
Page Background

Xuân Canh Tý 2020

97

ngày với người nơi đây. Họ ngưỡng vọng và tôn sùng

thiên nhiên chứ không sợ hãi. Bài học vỡ lòng của mỗi

người Ivatan là dự báo thời tiết và sống chung với bão.

Nếu có những dải mây như sóng dợn phía chân trời,

hôm ấy là một ngày nhiều gió. Ban đêm ngước mắt

lên, nếu có tán sắc cầu vồng quanh mặt trăng thì trời

chuẩn bị có dông. Còn khi những con sóng cứ đẩy cát

và sỏi về phía bờ thì cần hết sức cẩn thận vì bão sắp

ập đến.

Vậy nên, để chống chọi với bão tố, người Ivatan

xây nhà với tường dày đến nửa mét bằng đá tảng và

đá san hô, mái lợp bằng cỏ tranh nhiều lớp, ấm vào

mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Trên tường, ngôi

nhà nào cũng treo những chiếc mũ và áo tơi kết bằng

lá cây chà là lùn. Mũ dày và dài như lớp tóc thứ hai

của người đội, tránh nắng tránh mưa rất hiệu quả. Bếp

được xây cách nhà chính một quãng, bước vào một

căn bếp bất kì thường thấy khoai lang và khoai môn

vun thành từng đống nơi góc nhà, cá khô, rau quả khô

treo thành hàng dãy trên tường. Đây là thói quen tích

trữ thực phẩm từ hàng ngàn năm nay của người

Ivatan phòng khi mưa bão. Nhưng điểm đặc biệt nhất

trong ngôi nhà là những ô cửa được trổ cao và hẹp,

cánh được mở hướng vào bên trong, hoàn toàn không

dùng móc hay khóa như ở đất liền. Trừ khi dông bão,

thường thì dân ở đây hiếm khi đótng cửa. Đêm ở đảo

Sabtang, tôi đã rất hoang mang khi khuya lắc khuya lơ

mà bác Yvonne chủ nhà vẫn để cửa mở thênh thang.

Khi tôi thắc mắc thì bác cười hiền: “Ở đây không có

người xấu”.

TÌNH NGƯỜI ITAVAN

Người Ivatan sống với nhau bằng niềm tin tuyệt đối

vào sự thành thật và tự giác, nhà không khóa, cửa

hàng mở ra chẳng có người trông coi. Thống kê cho

thấy, Batanes có tỉ lệ tội phạm thấp nhất trong số các

tỉnh của Philippines, thậm chí, tỉ lệ đó ở đảo Sabtang

là 0%. Khách đến mua hàng cứ tự nhiên chọn lựa, sau

đó ghi vào một quyển sổ mở sẵn những món mình đã

mua rồi bỏ tiền vào hòm gần đó. Nếu đi trên những

chuyến tàu nối giữa các đảo, khách chỉ cần đăng kí tên

vào danh sách với chủ tàu, còn trả tiền khi nào thì tùy,

nếu lỡ quên cũng không ai hạch hỏi. Nhưng khi được

mọi người đặt lòng tin sâu nặng vào phẩm giá con

người như thế thì chẳng ai nỡ gian dối, khách phương

xa không ai bảo ai đều cố gắng cư xử thật văn minh

tử tế.

Tôi cũng đã nhiều lần được trải nghiệm sự nồng

hậu của người địa phương trong suốt những ngày

lang thang nơi đây. Nhớ sao những khi rong ruổi xe

máy khắp mọi nẻo đường trên đảo Batan, mỗi khi

dừng lại ở ngã ba, chưa kịp mở bản đồ dò dẫm đã có

người dừng lại hỏi thăm. Không ít lần họ đã bỏ dở

công việc, nhiệt tình dẫn tôi đến tận nơi mới thôi. Có

lần đánh rơi tuýp kem chống nắng ở nhà hàng trên

đảo Sabtang, các bạn phục vụ đã nhờ người tìm bằng

được tôi để trả lại. Món đồ đã kịp chu du một vòng

quanh đảo, qua hàng chục người lái xe tricycle và về

tay tôi khi đêm đã khuya rồi.

Trong hành trình từ đảo Batan sang đảo Itbayat,

khi tôi say sóng ngất ngư thì một dì đã cho tôi mượn

vai gối đầu suốt hơn ba giờ lênh đênh trên biển. Tôi

thiếp đi mệt nhoài trong tiếng hát dân ca trầm đục của

dì. Mãi đến khi có một đàn cá heo bơi đuổi theo tàu, dì

mới lay tôi thức dậy và chỉ tay giới thiệu đầy tự hào:

“Bạn của người Ivatan đấy”. Chia tay dì ở cảng, buổi

trưa hôm đó, tôi lại vô tình lạc vào một buổi tiệc ở làng

St.Lucia. Người làng nhiệt tình mời tôi chung vui. Gia

chủ hào phóng chuẩn bị hàng trăm phần ăn gói trong

lá vunong (một loài cùng họ với cây sake) để mời

khách. Phần ăn đầy đặn gồm cơm nghệ supas, thịt

viên uved, khoai môn hầm vunes, bò hầm kare-kare và

một cốc nước xương hầm. Tôi đã có một bữa trưa thật

vui vẻ, ấm lành, no nê như ở nhà mình.

Nhớ bác Lilian chủ nhà trọ dậy từ lúc 5h, chuẩn bị

bữa sáng để tôi mang đi cho kịp chuyến tàu sớm sang

các đảo lân cận. Nhớ ngày mưa tôi trở về từ đảo

Sabtang, vừa bước xuống chuyến xe lam trung

chuyển từ cảng đã thấy bác cầm ô đứng chờ. Tôi

không có cảm giác mình là khách trọ, mà như đứa

cháu ở xa mới về, được bác tíu tít chăm lo, yêu

thương vồn vã. Ngày chia tay, tôi không cầm được

nước mắt, mình về Việt Nam còn bác thì chỉ ít lâu sau

cũng rời Batanes sang Mỹ đoàn tụ với con cháu, liệu

bác cháu tôi có còn có dịp gặp lại nhau?

Rời Batanes, ngắm quần đảo xa dần qua ô cửa máy bay,

những khung cảnh từng khiến tôi ngỡ ngàng vào giây phút

đầu tiên gặp gỡ thì nay đã trở nên thân thương. Vẻ đẹp của

vùng đất này và những con người nơi đây như bước ra từ

truyện cổ tích. Batanes xứng đáng được yêu thương và giữ

gìn, không chỉ bởi người Ivatan mà còn bởi những ai may

mắn được đặt chân đến nơi đây.

Nhà truyền thống của người Ivatan

San hô gần bờ biển Sabtang

Cá chuồn khô - món ăn

truyền thống của người Ivatan

Một bữa ăn truyền thống

được gói trong lá vunong

Mũi Rapang dưới nắng mai