Xuân Canh Tý 2020
91
Ngày đầu tiên chúng tôi đi thăm làng
của bộ tộc Ayguas. Đi xuồng dọc sông
Amazon chừng 2 tiếng, sau đó lên bộ đi
vào sâu trong rừng rậm. Rừng Amazon
nhiều tầng cây, dưới chân là lớp dầy lá
mục. Rêu, nấm, tảo, đủ loại cây cỏ chen
chúc nhau. Cây leo quấn chặt vào cây
gỗ. Phong lan, tầm gửi giăng mắc khắp
nơi… Dương xỉ to như lá dừa chen với
chuối, dừa, dong, khoai môn. Rừng rậm
lao xao âm thanh của bọn vẹt, khỉ và cơ
man các loài chim. Bọn vẹt Amazon chúa
hay bắt chước. Mỗi khi có mưa rào
chúng còn bắt chước tiếng mưa làm cả
khu rừng ồn ào như họp chợ. Đoàn quân
kiến đỏ hung to bằng đốt ngón tay trịnh
trọng xếp hàng chở lá trông như đàn
bướm. Anh hướng dẫn viên đang đi
bỗng nhiên dừng lại chỉ tổ kiến to bự
trên cây. Anh đưa tay vào tổ kiến và chỉ
chốc lát kiến đã bu đen bàn tay. Trước
sự kinh hãi của chúng tôi, anh điềm
nhiên xoa 2 tay, chà nát những con kiến.
Cả 2 bàn tay anh bốc lên mùi thơm hắc
của tinh dầu kiến. Đây là một loại thuốc
chống côn trùng rất hiệu nghiệm. Chúng
tôi thử bắt chước anh hướng dẫn viên,
quả là bọn kiến hiền lành này đã giúp đỡ
chúng tôi rất đắc lực. Ngày đầu tiên,
chúng tôi không bị con muỗi nào đốt cả.
Đi bộ chừng 40 phút trong rừng thì đến
một bãi trống. Từ trong căn nhà chung
rộng lớn, mái tròn lợp lá gồi ùa ra người
lớn, trẻ con. Có ông già quắc thước ra
dáng là tộc trưởng. Đã được dạy từ
trước, chúng tôi đồng thanh cất tiếng
chào bằng tiếng Ayguas "Ritimay" - họ
cũng niềm nở chào lại như vậy. Ritimay
chắc có nghĩa là tốt, vì để tỏ sự đồng ý,
vui mừng họ đều reo lên "Ritimay" .
Tất cả đàn ông, đàn bà đều che thân từ
thắt lưng trở xuống bằng những bó lá khô
tước nhỏ, phụ nữ thêm 1 bó che ngực. Họ
đeo những cái mũ lông chim nhỏ sặc sỡ. Bộ
tộc Ayguas hiện nay chỉ còn khoảng 30
người sống bằng nghề săn bắt cá, nuôi
trâu. Trẻ con lớn lên như cây cỏ, chẳng phải
đi học. Vũ khí đi săn của người Ayguas là
những ống gỗ rỗng ruột, dài chừng 2m,
dùng để thổi. Mũi tên là những thanh tre
chuốt nhọn bằng răng cá piranhas, dài 20
cm, được tẩm với nọc độc của loài nhái
bén vùng đầm lầyAmazon, một đầu mũi tên
được giữ thăng bằng bằng bông hay tơ
nhện. Để săn, họ chỉ việc ngắm dọc theo
thân ống và thổi mạnh vào đầu ống.
Theo tập tục hiếu khách của bộ tộc, họ
vẽ những vạch màu đỏ gạch lên mặt
chúng tôi, đãi chúng tôi thứ nước uống
phổ biến của miền rừng là Masatca, loại
nước lên men từ sắn. Sắn được luộc qua
rồi nghiền bằng chày gỗ, sau đó được ủ
men, men là nước miếng của đàn bà
Amazon, nhai với sắn. Loại nước này ủ 2
- 3 ngày có vị như sữa chua, làm đồ uống
cho trẻ em, ủ lâu hơn sẽ thành rượu. Có
vị ngọt và hơi chua. Những người Ayguas
đãi chúng tôi vài điệu múa thổ dân, nhạc
cụ là những ống sáo và trống nhỏ. Rồi họ
mời chúng tôi mua đồ lưu niệm, phần lớn
là những chuỗi hạt trang trí làm từ đầu,
răng cá sấu, nanh báo... Giá rất rẻ mà họ
cũng không ép mua. Trên xà nhà, những
con Lười treo lủng lẳng, im lìm như những
con thú nhồi bông bày bán.
Chia tay với những thổ dân Ayguas,
hôm sau chúng tôi lặn lội đi thăm bộ tộc
Bora nổi tiếng. Nổi tiếng không phải họ
đông đúc hay giàu có hơn các bộ tộc
khác, mà là vì họ có vị tộc trưởng cực kì
sáng suốt, có tư duy, tầm nhìn xa rộng là
ngài Rafael. Chúng tôi đã nhìn thấy
người đàn ông nhỏ thó, quắc thước này
qua truyền hình. Ông là đại diện tiếng nói
của tất cả các bộ tộc thiểu số đấu tranh
bảo vệ nền văn hóa lâu đời của thổ dân
Amazon, tổ chức đấu tranh phản đối bán
đất đai và khai thác dầu mỏ, gỗ quý bừa
bãi. Ông đã nhiều lần khăn gói lên tận
Lima thương thuyết với Tổng thống, ông
cũng từng được mời làm nhân chứng
trong nhiều hội nghị bảo vệ môi trường
thế giới. Chỉ tiếc, khi chúng tôi đến thì
ông vừa mất được 10 ngày, dẫu sao
chúng tôi vẫn tìm đến nhà ông.
Bộ tộc Bora sống không xa Iquitos, đi
xuồng ngoằn ngoèo qua những đầm
nước và lạch sông nhỏ, chúng tôi đến
bến nước có những cây cổ thụ la đà và
những nếp nhà sàn nhỏ xinh lợp lá gồi,
trong nhà nào cũng mắc võng, họ toàn
ngủ trên võng. Cũng như tất cả các bộ
tộc thổ dân Amazon, người ta tiếp khách
trong nhà chung, ngôi nhà tròn rộng rãi
giữa làng. Ngôi nhà thoáng mát có kê
những cây gỗ nguyên khối cho khách
khứa nghỉ chân. Xung quanh vách treo
những đồ trang trí đơn giản bằng xương,
da thú và hạt rừng. Tuyệt nhiên không có
chân dung ngài Rafael, cũng không có
những bức ảnh phóng to kể về những
chiến công của ngài trong nước và quốc
tế. Nhà ngài Rafael cũng bằng tre lợp lá
y như những ngôi nhà xung quanh. Vợ
ngài đã già yếu và đang đau buồn nằm
trong buồng. Tiếp chúng tôi là con trai
ngài tên là Walter, cao to, da bánh mật,
chừng 40 tuổi. Ông giới thiệu sơ qua về
lịch sử bộ tộc Bora, họ vốn sống trên
lãnh thổ Colombia, sau trôi dạt sang
Peru. Trong làng hiện nay đã có trường
cấp 1 cho trẻ em. Ngoài học văn hóa, các
em còn được học săn bắn, đánh cá và
những thói quen, tập tục để không quên
truyền thống của cha ông. Trong nhà
chung có những chiếc cồng bằng nguyên
thân gỗ. Họ xin lỗi chúng tôi không thể
đánh cồng vì đang tang kì nhưng cũng
biểu diễn vài điệu múa, hát dân tộc để
chúng tôi thưởng thức. Những câu hát ê
a buồn bã. Khác với những người
Ayguas, người Bora cả đàn ông lẫn đàn
bà đều đóng khố bằng vải thổ cẩm do
các bà, các chị dệt tay. Phụ nữ đeo rất
nhiều vòng ở cổ để che ngực.
Người Bora cũng như thổ dân
Amazon nói chung biết cách làm thuốc
từ các loài cây rừng. Họ nấu cao trăn,
ép mía làm rượu gọi là canhaso, rượu
này ngâm với các loại củ, rễ cây rừng
thành những loại thuốc bí mật rất hiệu
nghiệm. Tất cả thổ dân Amazon đều có
khuôn mặt rộng, đôi mắt mở to như mắt
nai, còn nước da màu nâu sáng mịn
màng như màu nước sông Amazon.
Phụ nữ vùng rừng Amazon rất ưa ăn
quả Aguaje, hạt của một loài cọ. Quả
này có chứa nhiều hoormon femenino
nên phụ nữ miền rừng Amazon ai cũng
mông to, ngực nở, da dẻ mịn màng,
phụ nữ tuy đã nhiều tuổi nhưng vẫn
khỏe mạnh, dẻo dai, săn chắc.
Thâm nhập miền rừng rậm Amazon,
tận mắt thấy những bộ tộc thổ dân,
cảm nhận một thế giới hoàn toàn khác
chắc chắn sẽ là chuyến đi đáng nhớ
nhất trong hành trình Nam Mỹ của
chúng tôi.
Các đại lí của Bitel (thương hiệu của Viettel
ở Peru) có mặt khắp các đường phố Peru
Làng trên sông Amazon