23
luôn hướng tới khán giả yêu chính kịch,
thích dư âm suy ngẫm, không chiều thị
hiếu dễ dãi, bình dân. Các học trò nổi
bật của ông như: Hồng Đăng, Nguyễn
Thuỳ Linh, Thanh Hương, Thanh Hoa,
Việt Dũng… sau khi tốt nghiệp đều được
nhận về Nhà hát Kịch Hà Nội.
Ở thời buổi diễn viên không còn là
nghề thời thượng, không còn là lựa chọn
tối ưu, được ưu đãi và mến mộ nên
nhiều nam thanh nữ tú đã không chọn
nghề diễn xuất để lập thân, bởi phải qua
đào tạo bài bản, khổ luyện. Họ tìm đến
nhiều nghề kiếm tiền nhanh hơn, cơ hội
thuận lợi hơn để thăng tiến. Tuy nhiên,
Nhà hát Kịch Hà Nội hiện nay vẫn giữ
vị trí số 1 về ngoại hình diễn viên so
với các đoàn nghệ thuật, nhà hát ở Hà
Nội, chính nhờ bởi chủ trương tuyển
diễn viên có ưu thế về chiều cao và dung
mạo. Ông cho rằng, năng lực có thể đào
tạo, uốn nắn; còn ngoại hình là nền tảng
để thu hút khán giả, bởi đây là nghệ
thuật biểu diễn, yếu tố hình thức phải
được xem trọng đầu tiên. Dàn diễn viên
hiện nay của Nhà hát Kịch Hà Nội có
ngoại hình và chiều cao đẹp nhất trong
các nhà hát, phần nhiều do công tuyển
lựa của NSND Hoàng Dũng. Ông được
đồng nghiệp các thế hệ quý mến. Những
diễn viên trẻ yêu mến gọi ông là “bố”
bởi sự độ lượng, nghiêm khắc nhưng
cũng đầy yêu thương. Ông luôn tạo điều
kiện để họ sống được bằng nghề, khẳng
định mình trong nghề. Chủ trương sống
còn của Hoàng Dũng là chuyển giao và
tạo điều kiện cho lớp trẻ làm lực lượng
kế tiếp khi các nghệ sĩ gạo cội của Nhà
hát lần lượt nghỉ hưu, dù có những vai
chỉ có “gừng già” mới diễn ra chất, thấu
đạt. Chẳng hiếm người lớn tuổi sợ về
hưu, thậm chí phải khai man tuổi và
tìm mọi cách bám trụ lại, quyết không
nhường bước cho lớp sau, nhưng Hoàng
Dũng thì khác. Ông yêu và vun xới,
chăm bón cho “măng”. “Măng” mọc
nhiều, tươi tốt là niềm vui và hãnh diện
của ông.
Kịch Hà Nội được xuất ngoại là dưới
thời Giám đốc Hoàng Dũng. Từ năm
2011, Nhà hát Kịch Hà Nội dự Liên hoan
Sân khấu châu Á tại Masan (Hàn Quốc),
khởi đầu bằng
Cát bụi
- vở diễn gây sốt
từ năm 2003 mà vẫn mang tính thời sự,
thu hút đến bây giờ. Năm 2012, vở
Điện
thoại di động
(Kịch bản: Nguyễn Quang
Lập, Đạo diễn: Hoàng Dũng) và năm
2013 có vở
Trinh phụ hai chồng
(Kịch
bản: Trần Đình Ngôn, Đạo diễn: Tú
Mai), đều diễn tại Masan và Gwangju.
Tháng 11/2013, hai vở trên được diễn tại
Moskva. Năm 2015, vở
Cát bụi
tiếp tục
trình diễn tại thủ đô của Ba Lan, Czech.
Dẫn dắt một Nhà hát hàng đầu, NSND
Hoàng Dũng chủ trương thực hiện giấc
mơ đầy liều lĩnh mà cũng đẹp đẽ, đắm
say là dựng kịch kinh điển. Bài toán giữa
gánh lo đời sống cho 120 con người và
việc duy trì thương hiệu bản sắc Kịch Hà
Nội không dễ giải. Ngay từ năm đầu thế
kỉ 21, với “Hamlet Hoàng Dũng”,
To be
or not to be
không chỉ là câu hỏi vang
động mãi mà W. Shakespear đặt cho
nhân vật, cho thời đại, nhân loại, mà của
chính Hoàng Dũng, của Nhà hát Kịch
Hà Nội ở thời điểm “thắt nút, cởi nút”
của cam go, thách thức trước những con
đường, ngã rẽ.
G
ia đình NSND Hoàng Dũng chuyển
về ở phố Núi Trúc 12 năm nay.
Ngôi nhà 4 tầng tông nâu chủ đạo ấm
cúng và bình yên trong tiếng chim sơn
ca, cu gáy. Trong khoảnh sân nhỏ, ông
trồng bưởi, cau, lộc vừng, hoa hồng,
nhài, lan. Vợ chồng NSND Hoàng Dũng
sống cùng hai con trai: Hoàng Duy
(1988) đóng phim từ khi lên 4 tuổi, đã
tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, ngành
tiếng Anh; Cậu út Hoàng Triều Dương
(1999) đang học năm cuối cấp 3, hè này
sẽ thi tuyển vào lớp Diễn viên, trường
Đại học Sân khấu - Điện ảnh để nối
nghiệp cha.
Thời buổi sân khấu không còn rầm
rộ hút khách trước sự cạnh tranh của
nhiều loại hình giải trí, các nghệ sĩ phải
làm thêm đủ nghề: từ trang điểm cô
dâu, quay phim chụp ảnh đám cưới, mở
quán. Người vợ đảm ngoan của NSND
Hoàng Dũng là Nguyễn Thị Dung lo
vun vén gia đình, làm hậu phương cho
chồng. Mê, say trên sân khấu, rời khỏi
rạp, phim trường thì ông lại toàn vẹn
nghĩa vụ, đồng thời học hỏi, tích nạp vốn
sống để theo nghề lâu dài. Gia đình 4D
của Hoàng Dũng (với bốn thành viên có
tên bắt đầu bằng chữ D) đã đón thành
viên mới từ sau Tết, một cô gái Hà Nội,
tốt nghiệp đại học, rồi làm kinh doanh.
Mùa Xuân nảy lộc, đến mùa Thu là có
thành viên thứ 6 - cháu đích tôn của
Hoàng Dũng sẽ ra đời tháng 9/2017. Khi
được hỏi có muốn cháu nội nối nghiệp
mình không, NSND Hoàng Dũng chia
sẻ: “Muốn chứ, nhưng thuận theo năng
khiếu tự nhiên của cháu”. Có thể bắt gặp
Hoàng Dũng đi xe máy hay bước ra từ
ô tô, hoặc đi bộ trên hè phố… Ông luôn
chan hoà, lịch lãm với mọi người cùng
nụ cười ấm áp.
VI THUỲ LINH
Vai Bá Nhỡ chơi đàn trong vở
Tiếng đàn vùng Mê Thảo
NSND Hoàng Dũng vai Thái sư
Lý Đạo Thành, vở
Tình sử ngàn năm