Xuân Canh Tý 2020
85
núi” hình cái phễu. Thành thử, bao giờ bạn cũng phải di
chuyển từ trước 0 giờ, đi xe máy, ô tô rồi đi bộ vài tiếng
đồng hồ để đến được đỉnh núi. Từ đỉnh núi, lại lần mò
từ khi trời chưa sáng để hàng tiếng sau mới xuống đến
đáy vực, để có mặt ở khu vực mù mịt khói và vàng ruộm
“ánh lửa” sơn thần đang… nổi đóa. Đi trong đêm, lên
các ngọn núi lởm chởm, với nam giới thì còn đỡ, với nữ
giới là cả một thách thức không hề nhỏ. Thách thức từ
an ninh, lạc đường, ngã núi, bị tấn công hay lạm dụng
(không ngoại trừ).
Hôm ấy, 12 giờ đêm, đang ngủ trong những khách
sạn trên núi cao, giữa rừng và sương mù - dạng
container tiện nghi - tôi bị tiếng gào rú của những chiếc
xe Zeep cổ kính gọi bật dậy. Vượt qua con đèo lớn, lại
thấy trận địa xe Zeep cổ bày biện như một đàn dã
tràng xe cát chạy thung thăng vui nhộn. Nhìn hệ thống
số, phanh gỉ sét, nhìn các cậu bé sơn cước vào cua
điệu nghệ theo cách lái công nông cải tiến, người ưa
lái xe mạo hiểm suốt 20 năm ròng vừa qua như tôi
cũng phải ớn lạnh.
Sợ hơn nữa là cảnh đi bộ, với ánh đèn pin le lói
như đom đóm giữa mịt mù đêm đen. Đường dốc và
trơn ướt, qua rừng già, qua các sườn núi chênh vênh,
vài chỗ có lan can để lần mò, còn đâu thì cứ như dê
núi đi tuần đêm cả thôi. Phải đi trắng đêm, để ngắm
bình minh trên đỉnh Bromo, đặc biệt là ngắm làn khí
xanh bí ẩn (blue flame) tỏa ra từ miệng núi lửa Ijen
đang hoạt động. Mà khí đó, tùy ngày nó mới phun ra,
tùy người nào có duyên tự tiền kiếp mới gặp được.
Xanh lèo và đẹp ma quái như Bắc cực quang. Lúc ấy,
miệng núi lửa Ijen trông như bề mặt của một hành tinh
khác, lưu huỳnh không còn là dung nham màu vàng
sền sệt, không là khối dạng đá nặng nề óng ả nữa, mà
nó cháy trong không khí giữa bịt bùng đêm đen, tạo ra
thứ ánh sáng xanh ma quái ảo diệu… Trong tất cả các
ngọn núi lửa trên thế giới, nghe nói hiện tượng này chỉ
xuất hiện như một ngẫu nhiên điên rồ và kì diệu tại kì
quan Ijen. Nó trở thành khối nam châm thu hút vô vàn
du khách hiếu kì.
Tôi bước đi rệu rã, kiệt sức. Vắt cạn mồ hôi, mặt
nạ chống khí độc mờ mịt, do hơi nước từ sự thở hổn
hển thổn thức nặng nề của tôi, do mồ hôi lã chã từ
mặt ám vào. Đã không nhìn rõ, cái đèn pin lại bé như
mắt muỗi, chòm sáng bằng quả trứng gà le lói đơn
côi. Dò dẫm từng gờ đá để đặt chân. Bên cạnh là
những công nhân đi đẽo nhặt các khối lưu huỳnh
vàng ruộm như tảng mật ong vừa xắt khúc ra. Mỗi sọt
nặng khoảng 40kg. Hai cái sọt chín rạn bờ vai người
phu khai thác lưu huỳnh miệng núi lửa Ijen – những
người công nhân mỏ được báo chí quốc tế bình chọn
là khổ nhất thế giới. Nói dại, một lao công lực sĩ -
cõng trắng đêm được 2 chuyến từ đáy vực hình phễu
lên đỉnh núi rồi từ đỉnh núi xuống chân núi - mà ngã
một cái, thì cả đoàn người cùng nguy hiểm tính mạng
theo. Trời sáng nhờ nhờ, tôi phóng tầm mắt nhìn từ
đáy phễu lên đỉnh núi, thấy đồng loại thích du lịch
mạo hiểm từ năm châu bốn biển kéo đến xem núi lửa
đều bé như đầu ngón tay.
CHẠM TRÁN TỬ THẦN
TRONG CHẢO LỬA HỎA DIỆM SƠN
Dưới đáy phễu của đại sơn tráng lệ, bất giác, tôi
thấy hoang mang và cô đơn, thấy cuộc đời khám phá
rong ruổi của mình thật đẹp, song việc đối diện Tử thần
Hỏa Diệm Sơn ngàn độ, có gì đó thật quá dại dột. Có
lẽ, không nên tái hồi trò này với cá nhân mình. Họa vô
đơn chí, phúc bất trùng lai. Núi lửa Bromo tôi đang đến,
nó mới phun trào có hơn 2 năm. Núi Agung thì vừa
bung lửa đỏ, tro bụi, cột khó nóng cao hai nghìn mét
được vài ngày.
Đang chụp ảnh thì cột khói rộng bằng cả vài rông
núi bị gió làm cho đổi chiều. Khói trùm lấy chúng tôi.
Ai đó hô “chạy thôi”, “chụp mặt nạ vào”. Nhưng không
kịp. Nguyên tắc chết ngạt là thường thì người ta quỵ
ngay từ lần hít phải khí độc đầu tiên. Việc chụp mặt
nạ hay bỏ chạy sau đó chỉ giúp hạn chế sự ngộ độc
khí tiếp theo. Chưa bao giờ tôi thấy cái chết gần mình
đến thế. Quay cuồng, hơi thở tắc tị, trí nhớ lu mờ đi.
Tầm nhìn bằng không. Cực kì khó thở. Cậu bé người
địa phương giúp tôi chạy ra khỏi đám khói. Vài tiếng
sau, khí lưu huỳnh vẫn chưa ra khỏi… phổi. Cảm giác
buồn nôn, sự ám ảnh vì cái mùi kinh khủng, sự
choáng váng theo tôi đến hết đêm hôm sau nữa.
Dosy bảo, anh đọc trên mạng thì mới biết lời kể của
tôi là sự thật. Gõ google rồi báo chí Việt Nam đăng tải
còn nguyên: 12 thợ mỏ khai thác lưu huỳnh đã chết,
trong đó có vài khách du lịch, do ngạt khí lưu huỳnh
ở núi lửa Ijen!
Cách Ijen 6 tiếng lái xe là núi lửa Bromo cũng thuộc
tỉnh Đông Java, nó cao vút hình chiếc nón úp khổng lồ
bị cụt chỏm. Từ vết cắt cụt đó, lòng núi hõm xuống hình
phễu với hình đáy (chắc là) sâu vào đến tận khối chất
lỏng nghìn độ ùng ục sôi trong lõi Quả đất. Từ phía đáy
phễu sâu hun hút, cột khói khi đen đặc, lúc trắng toát cứ
thế đùn lên cuồn cuộn. Tiếng nổ kinh thiên kéo dài ngày
này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Chắc vẫn
thế này từ hàng triệu năm. Chỉ biết rằng, vào năm 2016,
núi lửa này phun trào khiến cư dân bốn bề và du khách
điên đảo chạy loạn.
Đường trên sườn núi sống trâu trơn truội, trượt
chân một cái thì vun vút soàn soạt rơi phụp một cái
xuống hố sâu không đáy đang nổ bôm bốp nghìn độ
nóng. Nói dại, có ước ao thân xác mình thành BBQ
cũng chả được, vì… cháy thành than hết rồi còn đâu.
Vậy mà lúc nãy các bạn Indo rủ tôi seo-phi một phát, bệt
mông xuống sỏi trơn truội, thõng chân xuống miệng núi
lửa sâu hắm. Lại nhớ đêm hôm kia, leo vào tận lòng
phễu miệng núi lửa chưa ngủ yên Ijen, tôi khoan khoái
làm một video tự quay bản thân mình cầm đèn pin sờ
vào cột khói ngùn ngụt, ném mấy viên sỏi vào dòng
dung nham hay bùn nước lưu huỳnh vàng óng. Từ bụng
Trái đất, nó đã nghìn độ nung chảy tuôn ra. Cuộc sống
và các chuyến lãng du thật diệu kì và hoành tráng. Tôi
nhờ múc ít dung nham thả vào nước lạnh, lập tức, lưu
huỳnh nóng gặp nước lạnh, như đổ mật mía vào chậu
nước làm kẹo kéo, chúng cô đặc lại thành hình con chó,
hình ngọn giả sơn khá gợi cảm. Đi về, qua sân bay
Kuala Lumpur, mấy chú an ninh hàng không thu sạch,
vì lưu huỳnh là chất dễ cháy. May quá, riêng ở trong túi
hành lí, vẫn còn hình một con chó óng ả bằng lưu huỳnh
đông kết ngay trước mắt tôi, từ miệng núi lửa đang hoạt
động Ijen cao 2.700m ở tỉnh Đông Java.
Tôi trân trọng trưng bày “món quà rực lửa” của mẹ
Trái đất ấy trong phòng khách. Cứ mỗi lần trông thấy
“nàng”, tôi đều thoáng rùng mình, lại thoáng trách
mình đã phụ lòng lo lắng của bố mẹ già, của đàn con
trẻ, khi quá dại dột đối mặt với Tử thần trong một lần
ngạt khí lưu huỳnh khủng khiếp đến như vậy. Người ta
nói: Xách ba lô lên và đi, cần có trái tim nóng và cái
đầu lạnh, là vì thế.
Khách châu Âu tự sướng trên miệng núi lửa Ijen
Tác giả giữa các cột khói nóng từ trong bụng Trái đất
phun ra qua miệng núi lửa đang hoạt động
Chụp trang phục váy cưới trên dòng dung nham
vừa đông kết sau đợt phun trào năm 2016 của núi lửa Bromo
Cưỡi ngựa lên đỉnh núi lửa
Bán hoa tươi cho du khách ném vào
miệng núi lửa đang hoạt động nhằm
đút lót sơn thần, xin ngài nguôi giận
mà không phun trào dung nham
Cảnh hoang tàn và
kiên cường hồi sinh
của cây cỏ sau các
đợt phun trào núi lửa