Previous Page  55 / 92 Next Page
Information
Show Menu
Previous Page 55 / 92 Next Page
Page Background

55

động, vừa vui nhộn, vừa trầm lắng, nhịp

nhàng, du dương khó tả... Ở âm vực cao,

tiếng đàn đá nghe thanh thót xa xăm. Ở

âm vực trầm, đàn đá vang lên như tiếng

dội từ vách đá.

Ngày tiếp theo, chúng tôi được các

chuyên gia ở Sở Văn hóa tỉnh Kon Tum

dẫn đến một vùng có thể coi là hoang sơ

nhất Kon Tum, xã Đăk Tơ Kan, huyện Tu

Mơ Rông. Đây là vùng đất còn lưu giữ

được những nét nguyên bản của Văn hóa

Tây Nguyên, từ nhà sàn, nhà rông, đến

trang phục hay sinh hoạt. Chúng tôi đến

đây vào đúng dịp các gia đình ăn mừng

lúa mới. Những ché rượu cần, của ngon

vật lạ được bày ra sau khi đoàn làm phim

quay xong những cảnh cuối cùng…

Cồng chiêng gắn bó với con người

Tây Nguyên từ khi mới chào đời cho đến

khi tiễn đưa linh hồn về nơi bến nước.

Bởi vậy, theo quan niệm tâm linh của

đồng bào Tây Nguyên, đằng sau mỗi

chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị

thần. Chính vì vậy, tiếng chiêng khi đánh

lên là tiếng nói của con người với thế

giới thần linh, là ước mong tới Giàng,

tới Mẹ Lúa, tới Thần Sông, Thần Núi...

về một cuộc sống ấm no, yên bình. Tùy

từng tộc người, cồng chiêng được sắp

xếp theo những biên chế cũng như lựa

chọn phương pháp kích âm khác nhau để

tạo thành nền nghệ thuật của riêng mình.

Nếu như bộ chiêng Tha của người Brâu

chỉ có hai chiếc thì các tộc người phía

Bắc Tây Nguyên như Ja Rai, Bahnar, Xê

đăng sở hữu những dàn chiêng đồng lên

đến hàng chục chiếc. Cồng chiêng vốn là

nhạc cụ đa âm, bên cạnh âm cơ bản bao

giờ cũng vang kèm một vài âm phụ khác.

Bởi vậy mà âm sắc cồng chiêng nghe

thật đầy đặn và có chiều sâu. Để ghi hình

được đầy đủ các loại cồng chiêng Tây

Nguyên, chúng tôi phải đi từ Kon Tum,

qua Gia Lai, sang Đăk Lắc để được trải

nghiệm những giai điệu, tiết tấu chiêng

của người Giarai, Barhna, Ê đê; Từ

chiêng đồng đến chiêng tre, đến cách chế

tạo, chỉnh âm và chơi hòa tấu.

Nếu như những chiếc chiêng đồng

mang sức mạnh thiêng liêng, là ngôn

ngữ giao tiếp với thần linh của cả cộng

đồng thì chiêng tre lại gần gũi, thân thuộc

với cuộc sống sinh hoạt đời thường của

đồng bào Tây Nguyên. Vì vậy, tiếng cồng

chiêng không chỉ là tiếng nói tâm linh

mà còn là đặc trưng của từng tộc người.

Khi tiếng chiêng vang lên, nó có thể giúp

người nghe hiểu được phong cách sống

và xử thế của mỗi dân tộc.

Những ngày tiếp theo ở Tây Nguyên,

mỗi vùng đất, mỗi nghệ nhân chúng tôi

gặp lại mang tới cho chúng tôi thêm

nhiều điều bất ngờ và ấn tượng. Đầu

tiên là hát kể sử thi. Đây là hình thức

hát dân ca của Tây Nguyên có phương

thức thể hiện giống như một lời tự sự và

không có nhạc cụ đệm. Gắn với hát kể sử

thi, người Tây Nguyên có tới “hai cuộc

sống”. Khi cuộc sống mưu sinh ban ngày

kết thúc cũng là lúc một cuộc sống khác

về đêm, kì diệu và bí ẩn với những đêm

hát kể sử thi được mở ra. Nếu như tiếng

cồng chiêng gắn bó với con người Tây

Nguyên từ khi sinh ra đến khi từ giã cõi

đời, thì những câu chuyện về thế giới của

các vị thần, những người anh hùng chiến

thắng tự nhiên, bảo vệ buôn làng cũng đi

vào tâm thức của họ từ khi còn là những

đứa trẻ. Trong thế giới siêu nhiên kì bí

ấy, họ sáng tạo ra truyền thuyết về sự

khai thiên lập địa, mối quan hệ của con

người với các thần linh, ấp ủ ước mơ về

tình yêu, về một cuộc sống tươi đẹp sau

những khó khăn, thử thách.

Khác với hát kể sử thi, các loại hình

dân ca khác của người Tây Nguyên luôn

cần được hát và đệm cùng các loại nhạc

cụ mà đàn K’long put là một nhạc cụ

tiêu biểu. Người ta tin rằng, ẩn chứa bên

trong loại nhạc cụ này là linh hồn của

“Mẹ Lúa” vì đàn K’long put vốn là một

dụng cụ trỉa lúa trên nương. Bà con nơi

đây đã biến một công cụ sản xuất thành

một loại nhạc cụ. Giống như đàn K’long

put, đàn T’rưng cũng được coi là một

nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống

âm nhạc của đồng bào Tây Nguyên. Qua

câu chuyện trao đổi với già làng Srưm

làng Mơhra, chúng tôi được biết, xa xưa,

đồng bào Tây Nguyên dùng đàn T’rưng

như một vật dụng đuổi chim hay hình

thức gõ để báo giờ nghỉ ngơi, tập họp

trên nương rẫy… Trải qua thời gian, nhờ

đôi bàn tay khéo léo và kĩ thuật thẩm âm

điêu luyện của các nghệ nhân, những ống

nứa vô tri đã trở thành một dàn đàn biết

cất lên những giai điệu thánh thót.

Cuộc sống hiện đại không chỉ khiến

quan niệm về thế giới thần linh cổ xưa

của đồng bào thay đổi mà cả những nghi

lễ cổ truyền cùng các hoạt động nghệ

thuật với sự trao truyền giữa các thế hệ

cũng mất dần sự kết nối. Điều đó khiến

chúng tôi - những người thực hiện

Nẻo

về nguồn cội

- thấy mình cần cố gắng và

có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn

và phát huy giá trị văn hóa trên miền cao

nguyên đất đỏ bao la này.

Yến Trang (

Ghi)