25
Tuy nhiên, khi nghe về những công
đoạn để làm nên một chiếc đàn tính,
dường như tôi có thể khẳng định, làm
đàn tính công phu và rất “kén” người.
Bởi như ông Đào kể, để cho ra một cây
đàn tính gọi là “chuẩn” phải trải qua hàng
chục công đoạn nếu không ghi lại chắc
chẳng mấy ai nhớ hết cặn kẽ. Chẳng hạn,
chỉ riêng việc chọn bầu và sơ chế cũng
“ngốn” không dưới 20 ngày. Ngay khi bầu
còn trên giàn đã phải lựa kĩ những quả
tròn đều, không bị ong châm, kiến chích.
Đợi cho đến khi bầu già, gõ vào phải nghe
được những tiếng kêu đanh thì mới cắt,
mang về ngâm nước cho phần ruột chín
nhừ. Trong lúc ngâm nước chờ cho ruột
bầu “chín” phải thải loại những quả bầu có
vỏ quá mỏng. Sau nhiều ngày ngâm nước,
bầu được đem phơi trong bóng râm, nhất
thiết không được le lói chút ánh nắng nào.
Lí giải điều này, ông Đào cho hay: “Phơi
nắng khiến vỏ bầu sẽ co hết. Bầu phơi
khoảng hơn 2 chục ngày rồi lại ngâm nước
vôi tiếp để vỏ bầu săn lại, để âm phát ra
chuẩn đanh chứ không ngâm ngâm ngẩm
như người bị chẹn cổ”… Từng ấy kiến
thức phải nắm, thử hỏi nếu không đam
mê, không tình yêu sao ông Đào đi được
đến bây giờ? Rồi nhường ấy thứ phải làm,
nên đến nay chưa tìm được người để tiếp
lửa và giữ nghề làm đàn tính âu cũng là
điều dễ hiểu. Chưa kể, do đặc thù của đàn
nên muốn có được cây đàn tốt, thanh âm
chuẩn thì ngoài bàn tay khéo léo, người
thợ còn phải là người biết hát các điệu
then, những quãng âm, nhạc lí cơ bản.
Khi hỏi người thợ già rằng, liệu mai này
ông không còn, những kinh nghiệm của
ông, tinh hoa kĩ thuật trong chế tạo đàn
tính sẽ như thế nào? Ông Đào chẳng đáp,
ngồi lặng thinh ôm cây đàn suy tưởng.
Quơ tay với lấy cây đàn tính treo gọn nơi
góc nhà, thế rồi lần lượt các giai điệu từ “inh
lả ơi” của miền Tây Bắc, “lưu thủy”, thậm
chí một vài bài nhạc đỏ được ông Đào gẩy
lên. Tiếng đàn mê hoặc lòng người, nghe
qua một lần lại muốn nghe mãi. Tay ngưng
tiếng đàn, ông bộc bạch: “Cách đây ít ngày
có hai cô giáo rủ nhau đến tôi xin học gẩy
đàn tính, thế nhưng, mình vừa nhìn là biết
nó không lấy được cái điệu đàn của mình,
cái tay nó không bấm được”. Phải chăng
học cách chơi đàn tính và làm đàn đều “kén”
người? Không rõ có thực như vậy không
nhưng có một điều ông Đào liên tục nhắc lại
với tôi rằng: “Người nóng tính sẽ chẳng bao
giờ làm được đàn tính”. Cũng có thể điều
ông Đào nói là đúng bởi ngay cả con ông,
cháu ông chẳng mấy ai ưa thích cái thú làm
đàn cổ của ông, lại càng không hứng thú với
tiếng đàn cổ ấy.
Nhưng chúng ta cũng có quyền hi
vọng bởi ngày nay, bên cạnh bảo tồn làn
điệu hát then thì người ta cũng chú tâm
nhiều tới cách làm sao để lưu giữ được
tiếng đàn ngân nga, dìu dặt thực sự có sự
lôi cuốn và quyến rũ ấy. Nghĩ vậy, rồi hi
vọng vậy cho nỗi lòng người “giữ hồn”
tiếng đàn cổ như ông Đào vơi chút những
lo lắng về việc lưu lại thứ âm thanh của
dân gian, để cho những thế hệ trẻ như
chúng tôi được tự hào về những tinh hoa
văn hoá của dân tộc mà cha ông để lại –
trong đó có cả tiếng đàn tính.
Văn Hương Khê