Previous Page  81 / 120 Next Page
Information
Show Menu
Previous Page 81 / 120 Next Page
Page Background

Xuân Đinh Dậu 2017

81

(mặt nạ có kính, ống thở đeo vào, bơi trên mặt

nước và nhìn xuống) là cách đơn giản nhất để

ngắm nhìn thế giới dưới nước, những chỗ gần bờ

đá bao giờ cũng tập trung nhiều cá và san hô nhất.

Vùng này nổi tiếng với rùa biển và tôm hùm. Vieux

Fort và Malendure là hai nơi tập trung khá nhiều

rùa, chúng hiền và dạn người đến nỗi đôi lần tôi

được bơi cùng và chạm tay vào chúng. Nếu muốn

thoả mãn hơn nữa trí tò mò về biển sâu thì đăng kí

lặn, trò này nhất định phải có hướng dẫn đi cùng

để đảm bảo an toàn. Có cả những chuyến tàu lớn

đi xem cá mập, cá heo ngoài khơi, chuyến đi như

vậy thường mất cả ngày vì chặng đường khá xa.

Các bãi biển hoang vu đến mấy cũng có biển

cảnh báo về độ an toàn của dòng nước, những cây

chứa nhiều axit quanh bãi biển được đánh dấu đỏ ở

thân cây để mọi người tránh xa mỗi khi trời mưa vì

nó gây ngứa.

Hành trình chinh phục núi lửa

Đừng quá say mê biển mà quên mất núi rừng,

lại thêm một sự quyến rũ khác không nên bỏ qua.

Nếu kể mãi không hết các bãi biển thì những đường

mòn trekking trong rừng cũng nhiều như vậy. Nổi

bật và hùng vĩ nhất chính là núi lửa La Soufrière

nằm ngay cạnh thành phố Basse-Terre. Núi lửa ngủ

yên từ năm 1976 mà giờ khói vẫn toả mịt mù trên

đỉnh. La Soufière cao 1.467m và chỉ mất khoảng 2h

để chinh phục vì đường đi khá thuận tiện. Dẫu vậy,

không phải ai cũng may mắn ngắm được toàn cảnh

Basse-Terre từ đây vì thường có rất nhiều mây che

khuất tầm mắt. Khu vực quanh núi lửa được hưởng

nguồn nước khoáng nóng tự nhiên từ những con

suối, người ta xây các bể tắm khoáng công cộng để

mọi người thư giãn, Bains des Amoureux (những bể

tắm tình nhân) ở Gourbeyre là nơi được nhiều người

tìm đến, tất nhiên là dành cho tất cả mọi người chứ

không phải chỉ cho những người đang yêu.

Ngoài La Soufrière thì các núi khác đều có

đường mòn đi bộ. Chẳng hạn, để đến được những

thác nước ở Carbet (Les chutes du Carbet) nằm ở

Basse-Terre, bạn sẽ lặn lội ở ba núi khác nhau.

Người Guadeloupe tự hào về cây cối, sản vật địa

phương, đó là những cánh đồng mía, cánh đồng

chuối bát ngát, những trái cây nhiệt đới theo mùa.

Họ xây dựng nhiều vườn thực vật và các kiểu bảo

tàng cây cà phê, bảo tàng cây chuối hay cây ca

cao. Vườn thực vật ở Deshaies đẹp và thú vị hơn cả,

kiến trúc sân vườn thoáng đãng nên thơ, các loại

cây, hoa được chăm chút cẩn thận, mất khoảng

2 tiếng để đi hết vườn.

Hội hè miên man

Guadeloupe đúng là nơi hội hè bất tận. Ngoài

những lễ hội tôn giáo (đa số người dân theo đạo

Thiên chúa) rải rác quanh năm còn có ngày hội của

từng nghề: ngày hội các bà nội trợ, ngày hội người

đánh cá... Phần hội thường nhiều hơn phần lễ,

không khí vui vẻ nói cười đậm chất Mỹ Latin, thường

là ăn uống, nhảy múa và hát ca. Hội hè hay được

tổ chức trên bãi biển và kéo dài thâu đêm. Lễ hội

hoá trang Carnaval được tổ chức hàng năm vào

cuối tháng Hai là một sự kiện lớn mà cả người bản

địa và du khách đều háo hức mong chờ. Còn nếu

không phải ngày hội chính thống thì người ta tự tổ

chức hội với nhau. Ghé qua Malendure chiều Chủ

nhật tầm 17-19h, chắc chắn bạn sẽ nghe thấy

những âm thanh rộn rã từ xa, đó là tiếng trống Ka

đặc trưng của người Créole, ngày duy nhất trong

tuần người ta không tĩnh lặng ngắm mặt trời lặn

xuống biển mà say sưa với những vũ điệu cuốn hút.

Uống rượu Rum ở

“tận cùng thế giới”

Đi quanh đảo, bạn sẽ thấy nhiều hàng quán đặt

trùng tên “Tận cùng thế giới” (Au bout du monde),

đấy là cách người ở đây gọi vùng đất xa xôi của

mình, nghe vừa nên thơ vừa dí dỏm. Họ bảo đấy

cũng là lí do họ đánh bạn với Rum. Ngày thường,

rượu Rum là đồ uống được ưa chuộng nên những

dịp hội hè, tiệc tùng càng không thể thiếu Rum.

Rum Bologne của Guadeloupe được làm từ mía

và có nồng độ cao (50 o ) nên họ không uống

nguyên chất mà nghĩ ra cách chế ra Ti punch (tên

gọi loại cocktail mà ai đến đây cũng phải biết).

Công thức đơn giản, dễ làm: Rum pha loãng với

nước, ngâm với hoa quả và cho thêm chút đường

cho dịu vị. Ti punch có đủ loại, được bán khắp nơi

từ siêu thị, chợ quê đến nhà hàng... nhưng loại nhà

làm vẫn là ngon nhất. Có lẽ Rum và Ti punch đã đủ

làm hài lòng mọi người lắm rồi nên đồ ăn truyền

thống Créole không cầu kì, chủ yếu là đồ nướng

hoặc thịt cá ngâm tẩm các loại gia vị rồi đem hầm

với rau củ.

Dẫu ở biển nhưng không phải lúc nào chợ cá

cũng tấp nập, những ngày biển động, chợ cá đìu

hiu vì không thuyền nào ra khơi. Hơn nữa, họ hạn

chế đánh bắt để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản với

những quy định nghiêm ngặt. Thế nên, nếu bạn

thoả thích ngắm nhìn vô vàn tôm cá lúc đi lặn thì

không có nghĩa là bạn được thoả thích thưởng thức

chúng trên bàn ăn. Có hai loại hải sản cao cấp mà

ở đây giá lại rẻ, nếu đúng vào mùa đánh bắt, là

tôm hùm và sò lambi. Hết mùa rồi (mùa tôm hùm từ

tháng 7 đến tháng 9, mùa lambi vào tháng 11, 12)

thì muốn đi tìm đồ đông lạnh cũng không có nữa.

Hệ thống giao thông trên đảo theo đúng chuẩn

châu Âu do Pháp xây dựng nên việc đi lại rất thuận

tiện. Tốt nhất nên có bằng lái ô tô trước khi đến đây

vì đấy là phương tiện hiệu quả nhất để đi hết hòn

đảo rộng lớn này. Dịch vụ cho thuê xe ô tô có ngay

tại sân bay. Sẽ không ai khuyên bạn đi xe máy,

không phải vì vấn đề an toàn giao thông mà là vấn

đề an toàn tài sản. Xe ô tô có thể đỗ ngoài đường

cả ngày đêm không hề hấn gì nhưng xe máy để

trong garage nhà bạn lại dễ dàng mọc cánh mà

bay mất, đến cảnh sát cũng bó tay. Xe máy vốn là

phương tiện của những thanh niên nghịch ngợm.

Ở đây rất ít taxi và giá thì rất đắt. Còn nếu bạn

thực sự dư dả thời gian thì đi xe buýt. Hiếm khi có

chuyến xe buýt nào lại đúng giờ, ai cũng bảo một

tiếng có một chuyến nhưng giờ nào thì không ai

chắc được. Và khi đã lên xe buýt rồi thì lại càng cần

kiên nhẫn hơn. Đừng ngạc nhiên nếu bác tài vui tính

làm được rất nhiều việc khác trên mỗi chuyến xe,

chẳng hạn như dừng lại một chút chào hỏi người

quen gặp trên đường, ghé hiệu bánh mì mua chai

nước... Không hành khách nào phàn nàn cả vì

chúng ta đang đi xe buýt mà (!).

- Từ Việt Nam đi Guadeloupe phải qua ít nhất hai chặng

máy bay. Chặng thứ nhất từ Hà Nội hoặc thành phố Hồ

Chí Minh đi Paris. Chặng thứ hai là Paris - Point-à-Pitre

(Guadeloupe), bay thẳng 8 tiếng.

- Giờ Guadeloupe chậm hơn Việt Nam 11 tiếng.

- Khí hậu quanh năm nóng ẩm nhưng nhiệt độ không

quá cao, khoảng 25 - 29 o C. Mùa mưa từ tháng Chín đến

tháng mười Hai cũng là mùa vắng khách du lịch hơn.

- Guadeloupe sử dụng đồng Euro nên chi phí khá đắt

đỏ, không khác gì ở châu Âu.

- Các khách sạn chủ yếu tập trung ở Grand Terre. Khu

vực Basse Terre chỉ có một hoặc hai khách sạn.

- Còn có 4 đảo nhỏ khác trực thuộc Guadeloupe mà bạn

nên ghé thăm: Les Saintes, Marie Galante, La Désirade et

La Petite Terre. Từ Guadeloupe có thể đi tàu thuỷ đến

từng đảo này.

Ngọn hải đăng Vieux Fort

Một gian hàng ở chợ cá

Gian hàng bán Ti punch cho khách du lịch

Ngày hội của các bà nội trợ