39
Cũng từ đây, bao nhiêu hạt mầm ươm
từ những năm tháng thiếu thời đã có cơ
hội trỗi dậy. Những cây đàn dân tộc như:
bầu, nguyệt, tứ, nhị… trở thành người bạn
thân thiết gắn bó với Xuân Hoạch trong
suốt những năm tháng học tập và biểu
diễn khắp nơi… Cứ mỗi ngày trôi qua lại
càng khiến ông thêm say đắm. Cứ mỗi lần
được thể hiện cho mọi người nghe lại là
mỗi lần nối dài thêm tình yêu bất tận mà
ông dành cho âm nhạc dân tộc.
“Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu tôi cũng
có thể ôm đàn chìm đắm trong những
tiếng tơ thánh thót, lúc bổng lúc trầm,
lúc nỉ non ai oán khi lại rộn rã vui tươi…
Tôi buồn, nghe đàn sẽ vui; mà khi vui tôi
cũng chỉ tìm đến tiếng đàn. Cứ giống như
một tri kỉ, như hai mảnh ghép chẳng thể
tách rời mà thi thoảng bản thân tôi cũng
không lí giải được vì sao”, NSND Xuân
Hoạch tỉ tê về tình yêu dành cho tiếng đàn
bằng ánh mắt hạnh phúc và giọng hồ hởi
như vậy. Tình cảm quê hương đất nước,
yêu thương con người, sự cảm thông với
những số phận éo le… cứ lần lượt đi vào
lòng người qua tiếng đàn, tiếng hát của
Xuân Hoạch suốt hàng chục năm qua.
Ông tâm sự: “Âm nhạc dân tộc là âm
nhạc của cha ông, được làm nên từ những
nguyên liệu thuần Việt, gần gũi với thiên
nhiên và gắn bó với đời sống của những
người dân quê chân chất, thật thà như cây
tre, quả dừa, sợi tơ… Phải đúng là những
nguyên liệu ấy thì mới tạo ra được đúng
thứ âm nhạc nguyên bản tuyệt vời của
tiền nhân”.
Chưa dừng lại ở đó, NSND Xuân
Hoạch còn là người hoài cổ, ông còn thích
giữ và tìm lại tiếng đàn, cung đàn xưa.
Ông là người thích mày mò, tạo ra những
cây đàn với thanh âm khác lạ cho riêng
mình. Đến nhà ông mới thấy ngỡ ngàng
trước những cây đàn đủ loại hình dáng lạ
mắt. Có cây đàn làm bằng vỏ dừa, có cây
làm bằng vỏ bầu, cần đàn được làm bằng
tre, khi bằng trúc...
Nỗi niềm tìm người
xe tơ làm đàn
Thời buổi hiện đại, tìm được người
làm đàn khó một thì tìm được người giữ
tiếng nguyên bản bằng cách xe tơ làm dây
đàn lại khó mười.
Mà cũng không
phải khó, vì chắc
giờ chỉ có mình
Xuân Hoạch còn
làm việc ấy mà thôi.
Cái nghiệp xe tơ
làm đàn đâu phải ai
cũng kiên nhẫn mà
theo được đâu. Bởi,
tơ làm dây đàn phải là
tơ sống vừa kéo từ con tằm, vẫn còn nằm
trong kén và còn lớp nhựa dính. Nhờ lớp
nhựa này, dây tơ xe xong mới cuộn lại,
bện vào với nhau. Có tơ rồi, NSND Xuân
Hoạch tự dựng khung xe tơ. Ông vừa xe
vừa tính, xe mỏng quá thì không thành
tiếng, mà xe dày quá cũng mất hay, phải
tính bao nhiêu sợi tơ nhỏ, mỏng manh
chặp lại mới được một dây tơ. Rồi đâu
phải xong lắp vào đàn là được đâu, có khi
thành công có khi lại phải… xe lại từ đầu.
Chính vì lẽ đó nên đến nay, vì sự tiện
lợi, khi người ta đã dùng dây ni lông (thay
dây tơ) trong sản xuất các nhạc cụ thì ông
vẫn cặm cụi kiên trì với truyền thống, xe
tơ làm dây đàn. “Thật ra, xe tơ để làm dây
đàn không phải là công việc quá phức
tạp nhưng lại mất khá nhiều thời gian.
Vì không có dụng cụ nên tôi thường xe
sợi bằng tay, lại phải căn theo từng loại
nhạc cụ, từng loại âm thanh để xe dây
to, dây nhỏ…”, nói đến đây, ánh mắt của
NSND Xuân Hoạch lại đăm chiêu. Vì
khó nên đến giờ ông
vẫn chưa tìm được
“truyền nhân”, vì càng
ngày càng hiện đại nên
ông mới sợ mai này
chả còn ai giữ tiếng
tơ đàn. Tình yêu dành
cho tiếng đàn lớn bao
nhiêu thì nỗi niềm tìm
người “xe tơ làm dây
đàn” như ông cũng lớn
bấy nhiêu. Nhiều lúc, cứ có học trò đến
học rồi rời đi khi chưa hoàn thành hết mọi
kĩ năng, hoặc có những người đến học
nhưng hời hợt… ông đã thực sự nản lòng.
Tiếng đàn phát ra từ những sợi dây ni
lông thường vang, trong và có phần gần
với những âm thanh lảnh lót, trong khi
tiếng tơ trầm, đục, vấn vít trong không
gian gợi cảm giác mộc mạc, chân chất và
giản dị. Tiếng tơ ấy day dứt, ám ảnh và có
sức hút kì lạ với những người yêu nhạc
truyền thống. Vì thế, Xuân Hoạch không
dứt nổi tiếng tơ, dường như chỉ còn một
mình ông làm dây tơ. Không biết sau ông,
còn ai có thể đủ yêu để kiên nhẫn học
cách làm đàn, xe tơ và lưu giữ lại tiếng
tơ truyền thống của tiền nhân hay không
nhưng NSND Xuân Hoạch thì luôn sẵn
sàng: “Chỉ cần một người muốn học tôi
cũng sẵn sàng truyền dạy”…
Hương Lâm
“Đã có lúc tôi tự nhủ, thì thôi mình
sống trọn vẹn kiếp này với tiếng tơ là
hạnh phúc rồi, nghĩ nhiều, mong
ngóng nhiều thêm chi cho mệt. Thế
nhưng vẫn không cầm được lòng khi
nghĩ rằng mai này chả còn ai giữ lấy
tiếng tơ đàn mà tôi trọn một đời say
đắm, lại thấy tiếc, lại muốn tìm người
có niềm đam mê giống mình”...