87
Thấy Quảng ngúc ngắc đầu có ý ngần
ngại, Thiệu nói thêm:
- Cậu cứ thoải mái đến đó thử việc, còn
với anh, cậu không việc gì phải ngại, sắp tới
anh sẽ về quê gọi người bổ sung.
Thiệu đưa Quảng đến gặp Giám đốc
công ti, ông này xem hồ sơ rồi vỗ vai
Quảng:
- Tốt lắm. Công ti tôi thường phân phối
vật liệu đến chân công trình với khối lượng
lớn, chỉ một năm nay tôi mới mở thêm vài
cửa hàng bán lẻ nhằm khai thác nhu cầu sửa
chữa trong dân. Cậu sẽ làm công việc phụ
trợ cho cửa hàng trưởng.
Dãy phố ấy có đến vài chục cửa hàng
chuyên bán các loại vật liệu xây dựng. Chủ
cửa hàng Quảng đến nhận việc tên là Lý, em
gái giám đốc, ít khi có mặt ở cửa hàng, cùng
làm với Quảng có một cô gái chừng 20 tuổi
ngồi ở quầy thu tiền và viết hóa đơn tên
Hoàn, là cháu họ Giám đốc. Công việc của
Quảng là tiếp nhận hàng mới nhập, bốc xếp,
giao hàng cho khách, thu dọn, vệ sinh cửa
hàng trước khi đóng cửa. Lý tìm cho Quảng
một chỗ trọ gần cửa hàng, ăn uống tự lo.
Công việc không vất vả như ở đội xây dựng
nhưng thui thủi, không người quen cũng
buồn, chỉ thời gian ở cửa hàng là vui. Những
lúc không có khách, Hoàn mau mồm mau
miệng kể chuyện mình và hỏi chuyện
Quảng. Hoàn khá xinh, tuy đã sống ở thành
phố hơn một năm nhưng vẫn giữ nguyên
lời ăn tiếng nói của người quê, đôi khi
giữa câu chuyện lại giơ tay phát vào lưng
Quảng bôm bốp. Một hôm cô Lý từ trên
gác đi xuống nhìn thấy cảnh ấy liền gọi
Quảng ra nói nhỏ:
- Cháu gái tôi là con nhà lành tử tế,
cậu cư xử cho đúng mực. Cái cậu làm việc ở
đây trước cậu đã bị ông anh tôi đuổi việc vì
cái tội bờm xơm với con Hoàn đấy.
Nghe thế, Quảng trở nên dè chừng, cố ý
giữ khoảng cách với cô gái nhưng Hoàn
dường như không để ý. Hoàn có cả một túi
lúa nếp cái hoa vàng mang từ quê ra, ngày
nào cũng xúc một bát lớn đổ vào chảo rang
đến cháy xém vỏ trấu, thóc nở bung thơm
phưng phức. Cô vừa làm vừa cắn chắt tanh
tách như kiểu người thành phố cắn hạt dưa.
Thỉnh thoảng cô lại bốc một vốc lúa rang dúi
vào tay Quảng, Quảng dụt tay vào, cô cố kéo
ra, khách hàng trông thấy rất tức cười. Cảnh
ấy cũng lại lọt vào mắt Lý. Cô cửa hàng
trưởng bắt đầu quan tâm hỏi chuyện Quảng
về gia đình, Quảng thật thà nói:
- Ở quê em không có việc làm khó lấy
vợ lắm.
-Vậy là cậu chưa có vợ phải không?
Cậu có thích cháu gái tôi không, con bé chưa
yêu bao giờ. Chỉ cần cậu thích nó, tôi nói
với Giám đốc là xong
Quảng ậm ừ không dám nói không
nhưng cũng không phải là có.
Qua Tết, công ti tổ chức gặp gỡ tri ân
khách hàng, Lý đưa tiền cho Quảng và Hoàn
may quần áo mới, cả hai đứng đón khách
trước cửa khách sạn, Quảng mặc sơ mi
trắng, quần kaki xám, giầy đen mũi nhọn,
Hoàn xúng xính áo dài màu hoa cà, giày cao
gót, trông cũng sành điệu như trai gái thành
phố. Ông giám đốc cao hứng đến trước hai
cô cậu, một tay nắm vai Quảng, một tay nắm
vai Hoàn, nói với giọng chắc nịch: “Hai đứa
xứng đôi quá!” Hoàn cười tít mắt còn Quảng
thì tái mặt. Hôm sau Lý mang về tấm ảnh
chụp Quảng và Hoàn đứng sóng đôi nhau,
Quảng ngắm tấm ảnh mà không nhận ra
mình, nhìn sang hình cô gái đứng bên cạnh
lại tưởng như Luyến!
Ít lâu sau, Giám đốc bảo Quảng:
- Cậu làm ở cửa hàng đã hơn một năm
rồi đấy nhỉ. Từng ấy thời gian đủ để cậu và
cháu gái tôi hiểu nhau và đi đến hôn nhân
được rồi. Mùa thu này cưới là tốt nhất, cưới
xong tôi giao trọn cửa hàng cho hai đứa tự
quản lí. Ý cậu sao?
Quảng lúng túng:
- Em không biết... Chúng em đã có gì
với nhau đâu.
- Có gì là có gì? Tôi nghe cháu gái tôi
nói nó thích cậu, cậu cũng thích nó, con Lý
cũng xác nhận thế, còn đòi hỏi phải có gì
nữa là sao? Này, cậu mà lừa dối nó là tôi cho
cậu ra cám đấy.
Giám đốc bỏ đi, Quảng như chết đứng,
nhớ lại xem mình có làm gì khiến cô ấy hiểu
ra như thế không? Chắc là không, bởi vì lúc
nào Quảng cũng nhớ chuyện anh chàng nào
đó đã bị Giám đốc đuổi việc trước đây cũng
tại cô cháu họ Giám đốc. Ngay buổi chiều
hôm ấy, Quảng đáp xe buýt về nhà Thiệu, kể
lại mọi chuyện cho Thiệu nghe và xin trở về
đội xây dựng. Thiệu cười:
- Bỏ của chạy lấy người hả? Kể cũng
tiếc, nhưng thôi, quay lại cửa hàng biết đâu
sẽ gặp rắc rối, anh sẽ gặp Giám đốc nói ông
ấy thông cảm thanh toán lương tháng này
cho cậu. Cậu lại làm với anh cũng được
nhưng anh nói thật, cậu có làm với anh cả
chục năm nữa cũng vẫn như thế này thôi.
Đội xây dựng của anh đã giúp cậu dành dụm
được chút tiền, nhưng đáng kể hơn là cậu đã
học được một nghề có thể nuôi sống mình.
Với tay nghề ấy cậu phải chọn một môi
trường làm việc khác mới có tương lai.
Cuối năm, Thiệu khuyến khích Quảng
tham gia cuộc thi tuyển công nhân do một
tập đoàn tổ chức qua hình thức thử tay nghề
thực tế trên công trường. Quảng đã được tập
đoàn ấy tuyển dụng vào công ti xây dựng
chuyên thi công các khu đô thị, các công
trình cao tầng. Quảng cầm tờ quyết định về
quê, khoe với ông Lưu. Ông Lưu đọc đi đọc
lại rồi phán:
- Tôi coi đây như là chứng chỉ nghề của
cậu. Vậy là chưa hết hai năm, cậu đã đạt
được yêu cầu của tôi. Tôi giữ đúng lời hứa,
hai năm qua cũng có mấy người ướm hỏi,
tôi vẫn giữ con Luyến cho cậu đấy.
Quảng kể đã đến công ti nhận việc, được
bố trí chỗ ở, công nhân được hưởng các chế
độ bảo hiểm, cứ hai năm công ti lại tổ chức
thi nâng bậc, được tăng lương theo bậc
thợ... Ông Lưu gật gù:
- Về phần cậu, tôi yên tâm rồi.
Tôi nghe nói, từ khi cậu đi làm xa, bố
cậu với em cậu gắn bó với ruộng đồng
hơn, không còn phó mặc cho một mình
mẹ cậu như trước, vừa rồi lại tự nguyện
rút khỏi diện xóa đói giảm nghèo. Con
Luyến về làm dâu bên ấy tôi cũng
mát mặt.
Luyến ngồi may ở gian bên, nghe hết
câu chuyện giữa ông Lưu và Quảng, nói
xen vào:
- Bây giờ anh Quảng dẫn bà mối đến
được rồi hả bố?
- Lại lanh chanh nói thay nó rồi. Tùy hai
đứa, lúc nào cũng được.
Quảng xin phép ông Lưu đưa Luyến về
nhà mình. Chưa bao giờ năm hết Tết đến bố
mẹ Quảng lại vui như năm nay. Tiền công
Quảng gửi về, ông bà mua sắm giường cưới,
bàn ghế tiếp khách, sửa lại nhà, lại xây hẳn
một gian chái sát mặt đường làng giống như
cái ki - ốt. Đứng trước cái ki - ốt đã hoàn
thiện, chỉ thiếu bảng hiệu thời trang, Quảng
nói nhỏ với Luyến:
- Em sẽ làm chủ cửa hàng may này, sẽ
chẳng kém gì các shop thời trang ngoài
thành phố. Có cô dâu tài giỏi như Luyến, bố
mẹ anh tự hào lắm đấy. Đi ra khỏi làng mới
thấy ngoài đời nhiều con gái đẹp nhưng với
anh, em luôn luôn là thứ nhất.
- Thế ai là thứ hai?
- Cũng em luôn!
Nguyễn Kim Trạch
Ảnh minh họa