17
được nhắc đến vai trò Á quân của một
cuộc thi âm nhạc lớn, có uy tín. Tâm
chia sẻ: “Sau cuộc thi
Sao Mai
, em
tự tin hơn, có nhiều động lực hơn để
bước trên con đường âm nhạc. Em đã
làm được những gì mình thích, được
thỏa sức là chính mình. Đây sẽ là
quãng thời gian đầy áp lực, làm sao
để mình không rơi vào quên lãng”.
Nhưng Tâm không muốn vội vã xô
mình vào thế giới âm nhạc xô bồ, ập
ào, thoáng nổi rồi sớm tắt. Tâm có thể
là một cô gái có cá tính mạnh mẽ,
quyết liệt, nhưng âm nhạc của Tâm
lại là một thứ cảm xúc thật khác, ve
vuốt khe khẽ, êm dịu, lẩy bẩy chạm
vào trái tim chứ không nhàn nhạt đến
hời hợt, động chạm nhưng vô nghĩa.
Tôi cảm nhận được rất rõ sự chững
chạc trong thẩm mĩ âm nhạc từ cô
khi nghe Tâm hát
Em vẫn đợi anh về
(Hoàng Hiệp, thơ Lê Giang), một bài
hát đã quá nổi tiếng trước khi Tâm ra
đời vài chục năm. “
Chờ phút giây bình
yên, chờ đạn bom ráo tạnh, để được
ngồi bên anh, để được ghen để được
hờn
...”. Run rẩy, xa xăm, lẩy bẩy với
hoài ức. Hóa ra một cô gái 9x, chẳng
biết chiến tranh là gì vẫn có thể tìm
thấy được những xúc cảm của những
phụ nữ thời binh lửa. Tôi hỏi, Tâm
dường như yêu đến cháy ruột, yêu cả
những khắc khoải xưa cũ, hay vì Tâm
học Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân
đội? Tâm chỉ cười... Có lẽ, đó là cảm
xúc của một cô gái luôn khát khao
chạm tới những giấc mơ yêu đầy
mộng mị.
CÁI GIÁ CỦA SỰ
TRỌN VẸN ĐỦ ĐẦY
Dám sống với đam mê, theo đuổi
tình yêu đến cùng phải là một người
mạnh mẽ lắm, Tâm là một cô gái như
vậy. Là con út trong gia đình có 8 anh
chị em, Tâm phải một mình bước vào
cuộc sống bằng sự mạnh mẽ, quyết
đoán. Vào TPHCM lúc 15 tuổi, Tâm
chỉ biết nuôi dưỡng tình yêu của mình
bằng những đêm hát từ thiện, hát thờ
phượng trong nhà thờ, những buổi hát
lót, đi làm phục vụ bàn... Tâm từng
run rẩy trước sự lựa chọn giữa cuộc
sống và đam mê, bởi âm nhạc là một
thứ đắt đỏ. Và nó càng đắt đối với một
sinh viên, một cô gái phải tự mình
lặn lội ở miền đất lạ, luôn hối
hả, sẵn sàng bỏ mặc những ai
không theo kịp nhịp điệu của
nó. Có thời điểm, Tâm phải
quyết định nghỉ học để tập trung
đi làm kiếm tiền nuôi sống bản
thân. Nhưng đam mê âm nhạc đã
kéo Tâm trở lại trường ĐHVHNT
Quân đội để học tiếp, với hàng tá
công việc, hát nhạc phim, quảng
cáo, hát phòng trà... dù thù lao
chẳng đáng là bao. Tâm kể: “Gia
đình em khó khăn lắm. Ba mẹ chỉ là
công nhân bình thường, nhưng đam
mê âm nhạc rồi thì chẳng thể nào
thoát ra nổi. Em từng đi hát ở trường
phổ thông, hát cho phường, hát ở bất
kì nơi nào cần âm nhạc. Dù thù lao
ngày đó chẳng đáng bao nhiêu, nhưng
dù gì em đã có thể kiếm được chút
ít từ giọng hát của mình. Em cảm ơn
những đồng tiền ít ỏi ngày đó, vì chính
chúng đã tạo cho em động lực để gắn
bó với âm nhạc. Thậm chí, sau này có
cả những lần bị quỵt tiền catse, nhưng
với em, đó đều là những điều trân quý
trên hành trình âm nhạc”.
Nhiều ca sĩ ở độ tuổi Tâm đã thành
danh, có một vị trí vững chắc nhưng
Tâm vẫn loay hoay để cân bằng cuộc
sống của mình. Một cô gái đẹp, quyến
rũ, có giọng hát đẹp, chắc hẳn có
nhiều cơ hội thành công nhanh chóng,
nhưng Tâm vẫn chấp nhận tự mình đi
trên con đường gập ghềnh nhất, không
nhờ cậy ai dù thiếu thốn. Tâm có chị
gái là ca sĩ Thanh Tuyền Ebony khá
nổi tiếng, nhưng cô chưa một lần đứng
cạnh hào quang của chị. Có người bảo
Tâm chả giống ai. Nhưng Tâm là vậy.
Mạnh mẽ, quyết đoán, tràn căng năng
lượng và luôn muốn là chính mình, để
chinh phục đam mê. Và tôi tin, hành
trình của Tâm chỉ mới bắt đầu.
HÀ HƯƠNG