25
Khi đó, Kim Cương chỉ nghĩ ông giáo
kia là một người quá yêu văn chương nên
đầu óc không được thực tế như mọi
người. Cho đến một ngày, Bùi Giáng chở
Kim Cương đi chơi trên chiếc xe đạp cũ.
Hôm đó, Bùi Giáng cầu hôn bà. Khi bị từ
chối, Bùi Giáng liền có những lời nói
“không bình thường”. Theo nghệ sĩ Kim
Cương nhớ lại thì: “Khi nghe tôi từ chối
lời cầu hôn, Bùi Giáng không buồn,
không thất vọng, ông chỉ nói dù không
đến được với nhau nhưng trái tim ông
luôn hướng về tôi, rồi ông nói những
điều mà tôi không hiểu nổi. Từ đó, tôi tự
động lánh xa ông”.
Đúng như lời thi sĩ điên nói với kì nữ
của mình khi bị từ chối, Bùi Giáng yêu
Kim Cương mà chưa bao giờ đòi hỏi một
sự đáp trả. Thế nhưng, cũng từ những
ngày đó trở về sau này, độ “điên” của Bùi
Giáng cứ ngày một tăng lên. Ông luôn
trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, trên
người luôn treo lủng lẳng từ ống bơ đến
trái cây, cành củi, hoa lá… Ông sống
lang thang vật vờ nay đây mai đó, thỉnh
thoảng “bệnh” nặng còn bày trò phá bĩnh
mọi người khiến nhiều lần cảnh sát phải
can thiệp. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhắc
đến cái tên Kim Cương, ông lại bình tĩnh
trở lại, ngoan ngoãn như một đứa trẻ.
Nghệ sĩ Kim Cương nhớ lại: “Về sau
này, ông ấy điên quá làm tôi cũng cảm
thấy sợ. Thi thoảng ông lại ghé nhà tôi,
đòi gặp tôi. Nếu tôi không mở cổng, ông
sẽ lấy đá chọi và ăn vạ đến khi có người
ra thì thôi. Cả khu phố này ai cũng biết
và phiền lòng về chuyện ấy, nhưng không
ai trách được vì ông ta không bình
thường. Trong những lúc điên, ông ấy
không biết gì hết, chỉ biết tôi và số điện
thoại nhà tôi. Vì thế, mỗi khi ông gây
chuyện hay có vấn đề gì là cảnh sát hoặc
bệnh viện lại gọi điện đến nhà tôi, và gia
đình tôi luôn đóng vai trò là “người thân”
của ông trong những lúc như vậy”.
40 năm làm thơ tặng kì nữ
Kể từ ngày yêu say đắm kì nữ Kim
Cương, trong thơ tình của thi sĩ Bùi
Giáng viết thơ tình thì luôn có bóng dáng
Kim Cương. Thi sĩ tìm đến nhà thăm
“người tình” của mình, không được vào
thì ở ngoài cổng ăn vạ. Thế nhưng, khi
được mời vào nhà, ông lại trở lại bình
thường, dường như xuất khẩu
thành thơ, đọc tặng Kim Cương,
ngồi chơi một lúc rồi lại ra về.
Thi sĩ còn có một cuốn sổ dày
chép những bài thơ tặng Kim
Cương. Sau 40 năm yêu đơn
phương, cuốn sổ dày ấy đã kín
chữ, không thể đếm được có bao nhiêu
bài thơ trong đó. Hiện tại, kì nữ Kim
Cương vẫn lưu giữ cẩn thận cuốn sổ đó,
nhưng lại từ chối không cho ai xem. Bà
nói: “Tôi muốn giữ món quà này cho
riêng mình, đó cũng là một sự tôn trọng
đối với cố thi sĩ”.
Có người hỏi, vì sao bà lại có thể chịu
đựng mối tình của một người điên trong
suốt 40 năm. Bà thú thật, khoảng thời
gian đầu đã có lúc bà cảm thấy ghê sợ,
muốn lánh xa. Nhưng sau khi suy nghĩ về
thực tế cuộc sống và những lời răn dạy
của Phật, bà đã thay đổi hoàn toàn thái
độ của mình. Từ đầu đến cuối, tình cảm
thi sĩ Bùi Giáng dành cho bà là tình yêu,
còn tình cảm bà dành cho thi sĩ là sự tôn
trọng tuyệt đối. “Thi sĩ Bùi Giáng là một
người trí thức vô cùng tài năng và đáng
quý. Suốt bao nhiêu năm yêu thương tôi,
thi sĩ luôn luôn trân trọng và giữ khoảng
cách với tôi. Khi gặp được tôi, ông chỉ
ngồi đọc thơ cho tôi nghe, nói chuyện thì
chỉ xưng hô là “tôi - cô Kim Cương”.
Người ta nói người điên không kiểm soát
được hành động của mình, nhưng ông ấy
chưa bao giờ có ý định chiếm hữu tôi. Đó
là lí do vì sao ông ấy “làm phiền” tôi suốt
40 năm mà tôi chưa bao giờ phàn nàn.
Giả sử như ngày đó có tiền, tôi sẽ cất tạm
cho ông một mái nhà đơn sơ để che đầu,
chứ không để ông vất vưởng như vậy.
Khi tôi chia sẻ điều này với báo chí và
ông đọc được bài báo đó, ông đã khóc,
vô cùng xúc động. Ông nói, cảm ơn cô
Kim Cương vì đã cho ông một chỗ đứng
trong tâm trí” - nghệ sĩ Kim Cương thổn
thức kể lại.
Đến ngày thi sĩ bị xe đụng, chấn
thương sọ não, nghệ sĩ Kim Cương vào
thăm mà không nhận ra ông. Lần đầu
tiên, thi sĩ điên được thay áo quần sạch
sẽ, râu tóc gọn gàng, nhưng nằm im lìm
ở giường bệnh. Nhắc đến đây, bà rơm
rớm nước mắt: “Bộ dạng đó của cố thi sĩ
tôi thật sự không quên. Tôi linh cảm thấy
sẽ có chuyện không lành xảy ra. Quả
thật, mặc dù tôi đã yêu cầu bệnh viện
phẫu thuật cho ông, nhưng cuối cùng ông
cũng không qua khỏi. Trong đám tang
của cố thi sĩ, tôi đứng trước linh cữu của
ông, nói với ông 3 lời cảm ơn muộn
màng: Cảm ơn vì ông đã đem lại cho đời
những tác phẩm nghệ thuật giá trị; Cảm
ơn vì ông đã dành cho tôi một tình yêu
40 năm mà không cần đáp trả; Cảm ơn vì
ông đã cho tôi hiểu con người ta dù giàu
hay nghèo, điên hay tỉnh, thì vẫn cần một
mối tình trong cuộc đời”.
Sau này, thỉnh thoảng kì nữ vẫn nghe
đâu đó câu ví von “Anh yêu em như Bùi
Giáng yêu Kim Cương”, trong lòng bà
dấy lên cảm xúc rất lạ. Có lẽ phải dùng
phép so sánh ấy thì một người đàn ông
mới diễn tả hết được một tình yêu lớn
lao, thủy chung dù bất cứ chuyện gì xảy
ra dành cho người phụ nữ mà mình
yêu thương.
Văn Hương
NSND Kim Cương và mẹ - NSND Bảy Nam
trong vở
Lá Sầu Riêng