51
cách nhau đúng 1 – 2 m. Khi phỏng vấn
một người dân lớn tuổi, cô nghẹn ngào chia
sẻ rằng, việc nhận được phần thức ăn nóng
hổi, ngon lành này đã giúp bản thân và gia
đình vượt qua ngày đói khổ vì thất nghiệp.
Do không được gặp những nhà hảo tâm
nên cô ấy tha thiết nhờ sóng truyền hình
gửi lời cảm ơn chân thành nhất.
Đặc biệt không kém là lần tác nghiệp
tại khu vực Tân Cảng - Cát Lái, các lãnh
đạo ở đây đã nhắn nhỏ với tôi: “Tình hình
dịch bệnh có căng thẳng, nhưng hoạt động
xuất nhập khẩu tại cảng vẫn sôi động lắm,
tăng trưởng so với cùng kì năm ngoái. Điều
đó chứng tỏ kinh tế bị ảnh hưởng nhưng
cũng không phải vô cùng bi quan. Em làm
báo, em truyền thông cho người dân yên
tâm em nhé”. Nghe họ dặn dò, tôi bất giác
thấy vui. “Đừng bi quan, hãy yên tâm nhé”
là câu nói tôi được nghe từ các cô, chú,
anh, chị lãnh đạo, bác sĩ, chiến sĩ rất nhiều.
Đó là những câu nói chân tình và rất có tính
khích lệ.
Tâm trạng của bạn như thế nào khi
thường xuyên làm việc tại những nơi có
nguy cơ phơi nhiễm cao?
Tôi luôn cẩn thận trong việc phòng
tránh dịch. Đồng thời, sự chuẩn bị của cơ
quan cũng rất tốt. Chúng tôi được trang
bị khẩu trang, đồ bảo hộ toàn thân, nước
rửa tay luôn sẵn trong người, trên xe ô tô.
Các xe chuyên dụng, thiết bị… sau khi tác
nghiệp về đều được phun khử trùng. Khi
tác nghiệp, tôi cũng đảm bảo khoảng cách
an toàn với nhân vật. Vì thế, tôi không quá
lo lắng khi đi làm. Ngược lại, tôi lo cho gia
đình mình ở Hà Nội nhiều hơn.
Với cường độ làm việc liên tục,
bạn và các đồng nghiệp trẻ có lúc nào
thấy mệt mỏi không?
Tấn Khoa, Quỳnh Mai và tôi là 3 phóng
viên trẻ nhất của Trung tâm THVN tại
TP.HCM tác nghiệp trong đợt ngày. Quả
thực có một số ngày chúng tôi làm việc
liên tục từ sáng sớm đến đêm muộn, chỉ
nghỉ vài tiếng rồi lại tiếp tục ca làm. Trong
gần một tuần, bộ ba thân thiết không chạm
mặt nhau tại cơ quan vì lịch trực thuộc ba
kíp lệch nhau để đảm bảo an toàn phòng
dịch. Người này viết bài, dựng phim thì
người kia đi quay chưa về. Duy nhất một
ngày chúng tôi có một bữa ăn trưa rất ngắn
cùng nhau... Áp lực công việc thực sự có
lúc khiến chúng tôi mệt mỏi, nhưng tôi tin là
ai cũng vượt qua được.
Xuất thân là cử nhân Kinh tế
nhưng lại gắn bó với nghề báo, điều gì
khiến bạn lựa chọn công việc này?
Đến nay tôi tin câu nói “nghề chọn
người” là đúng. Năm năm trước, khi Trung
tâm Tin tức VTV24 tuyển dụng, tôi vừa ra
trường nên cũng thử nộp hồ sơ để thử
sức. Không ngờ tôi đã vượt qua hàng
ngàn ứng viên sáng giá của rất nhiều
trường đại học danh tiếng trong và ngoài
nước. Sau khi chuyển sang VTV9, tôi lại
càng cảm ơn người thân trong gia đình đã
động viên và khuyến khích tôi nộp đơn thi
tuyển vào VTV, bởi công việc này rất thích
hợp đối với tôi. Từ một tờ giấy trắng khi
đến với truyền hình, qua các khóa đào tạo
nghiệp vụ của cơ quan cùng với chuyên
gia của các kênh truyền hình lớn trên thế
giới như CNN, tới các nhà báo lão làng
trong nghề tại Việt Nam, tôi đã tiếp thu
được rất nhiều kiến thức mới mẻ, hữu ích.
Ở VTV có môi trường làm việc chuyên
nghiệp để các phóng viên trẻ có nhiều cơ
hội học hỏi. Khi làm Thời sự, tiếp xúc với
nhiều câu chuyện khác nhau, kiến thức
của tôi cũng được mở rộng hơn. Cái nhìn
với mọi việc cũng trở nên đa dạng, nhiều
góc độ hơn. Với sự phát triển của thời đại
và công nghệ, ngày nay phóng viên truyền
hình cũng cần phải trở nên đa năng, qua
thời gian tôi cũng học và áp dụng được
nhiều kĩ năng quay, dựng phim để có thể
độc lập tác nghiệp khi cần thiết.
Tại sao bạn lại rời Hà Nội để vào
TP.HCM lập nghiệp?
Gia đình chính là động lực lớn nhất
khiến tôi vượt qua mọi thời điểm khó
khăn trong nghề. Tôi luôn mong muốn
đóng góp vào kinh tế gia đình để giúp
đỡ bố mẹ. Cách đây hơn 4 - 5 năm, tôi
gặp vài vấn đề cá nhân nên muốn vào
TP.HCM để thay đổi môi trường làm
việc. Lúc đó tôi chỉ nghĩ sẽ đi 6 tháng
nhưng không ngờ môi trường và con
người ở đây quá thân thiện đã khiến tôi
gắn bó lâu dài hơn nữa.
Xa gia đình đến một nơi mới lạ,
bạn đã vượt qua những điều gì?
Thời điểmmới vào Nam, tôi thường gặp
khó khăn trong giao tiếp. Mỗi khi phỏng vấn
tôi phải hỏi đi hỏi lại nhân vật do cả hai bên
chưa nắm rõ ý của nhau. Tuy nhiên, đến
giờ tôi đã tiến bộ rất nhiều. Còn về chuyện
cá nhân, tôi sống một mình ở đây, công việc
bận rộn nên không thường xuyên về thăm
nhà được. Vì vậy, cả nhà luôn bật các bản
tin Thời sự trên VTV1, VTV9 để chờ nhìn
thấy mặt con gái và nghe giọng nói những
lúc tôi dẫn hiện trường. Mẹ tôi luôn chụp
màn hình tất cả những lúc tôi xuất hiện trên
tivi để lưu làm kỉ niệm. Chính những điều
đó khiến tôi rất vui và có quyết tâm cố gắng
phấn đấu và làm tốt hơn nữa.
So với thời mới vào nghề, bạn thấy
mình đã thay đổi như thế nào?
Vì gương mặt khá trẻ con, tôi gặp khó
khăn khi tác nghiệp, đặc biệt là gặp gỡ,
phỏng vấn lãnh đạo các bộ, ban ngành,
chính trị gia… Tôi đã từng loay hoay suốt
3 năm để cố gắng biến mình già hơn. Tuy
nhiên, tôi rút ra kinh nghiệm là mình không
thể thay đổi gương mặt cho già đi. Mình
chỉ cần ăn mặc nghiêm túc, phù hợp với
môi trường tác nghiệp và quan trọng nhất
là chuẩn bị kiến thức trước khi gặp gỡ
nhân vật để có được tin bài chất lượng tốt.
Là một phóng viên truyền hình, lối
sống của tôi cũng có nhiều thay đổi do ảnh
hưởng từ công việc. Dễ nhận thấy nhất
chính là thói quen xác minh thông tin trước
khi trao đổi, truyền miệng bạn bè hoặc đăng
tải trên mạng xã hội. Tác hại của tin giả rất
lớn tới cộng đồng, nhưng lại dễ dàng bắt
đầu từ mỗi cá nhân. Dù là những chuyện
nhỏ trong đời sống cá nhân hay những vấn
đề xã hội, tôi cũng đều nhận thức rõ trách
nhiệm của một công dân, một người đưa
tin như mình.
Cảm ơn An Nhật Phương!
LƯU PHƯƠNG
(Thực hiện)