23
vác máy trên vai mà phía dưới, giày
thụt chìm cả vào ổ phân trâu, phân lợn
là chuyện hết sức bình thường. Nhưng
điều đó cũng không khó bằng việc tiếp
cận phỏng vấn các nhân vật. Hầu hết
chương trình đều phản ánh những vấn
đề tiêu cực, nhức nhối về môi trường
nên việc công khai ghi hình và nhất là
phỏng vấn không hề dễ dàng...
Nơi chúng tôi đến không chỉ là nơi ô
nhiễm, mà còn xa xôi, hẻo lánh. Nhớ
lần làm chương trình về khai thác
khoáng sản ở Vị Xuyên, Hà Giang,
đoàn phải đi hơn 2 tiếng đồng hồ, trèo
đèo, vượt dốc ngoằn ngoèo mới có thể
tiếp cận được điểm khai thác và lọc
quặng. Tôi cũng nhớ lần ghi hình trong
rừng ngập mặn ở huyện Tiên Yên, tỉnh
Quảng Ninh. Chúng tôi vừa phải ghi
hình khu vực rừng mới trồng từ dự án
đầu tư của một tổ chức phi chính phủ
cách bờ khoảng 3km, vừa phải lội đi tìm
những người mưu sinh bắt thủy hải sản
giữa mênh mông biển nước. Dưới cái
nắng như thiêu đốt của buổi trưa,
chúng tôi lội rừng từ 9h đến gần 13h
mới vào được bờ. Tôi bị những vật sắc
nhọn dưới bùn cứa đứt chân vì, da tay
cháy nắng và say mùi bùn của rừng
ngập mặn... Cực nhọc là vậy nhưng đổi
lại, chúng tôi đã ghi lại được những
hình ảnh rất đẹp về cánh rừng ngập
mặn, về các loài thủy hải sản dưới tán
rừng, về phong trào giữ rừng, trồng
rừng ngập mặn của người dân vùng
ven biển huyện Tiên Yên...
Những hình ảnh khó quên
Có quá nhiều hình ảnh ấn tượng
trong những chuyến tác nghiệp của
chúng tôi, nhưng ám ảnh nhất có lẽ là
lần ghi hình ở xã Liệp Tè, huyện Thuận
Châu, tỉnh Sơn La. Đó là chương trình
phản ánh về tình trạng ô nhiễm từ việc
sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của
người dân. Mỗi ngày lên nương, ông bố
lại hòa một bể thuốc bảo vệ thực vật,
trên lưng ông là em bé chưa đến 2 tuổi.
Khi ghi hình những thước phim đó, tôi
và quay phim dù chỉ đứng gần một lúc
nhưng đã bị choáng và đau đầu, thậm
chí buồn nôn. Vậy mà, đứa trẻ cùng
cha mình tiếp xúc với bể thuốc suốt
buổi sáng... Tôi thực sự ám ảnh bởi ánh
mắt vô tội của những đứa trẻ khi chúng
phải hứng chịu những thứ độc hại do
chính thói quen, nhận thức hạn hẹp của
cha mẹ mình.
Tại những vùng đồng bào dân tộc
thiếu số, từ phía Bắc cho tới Tây
Nguyên, việc nuôi thả trâu bò dưới gầm
nhà sàn; hay những nhà tiêu, nhà vệ
sinh tạm bợ... vẫn còn rất nhiều. Có lần
ghi hình ở Bắc Kạn, một anh chủ tịch xã
chia sẻ với tôi: “Môi trường không phải
là thứ đầu tư tiền là có thể giải quyết tận
gốc mà quan trọng nhất là phải thay đổi
nhận thức, ý thức của mỗi người dân.
Có khi xây dựng bãi rác nhưng người
dân vẫn vứt rác bừa bãi...”. Tuy nhiên,
ở một số nơi như một làng nhỏ ở huyện
biên giới vùng cao Hoàng Su Phì (Hà
Giang), người dân có mô hình lò đốt rác
mini hộ gia đình rất sáng tạo. Nhà nào
cũng xây một lò đốt nhỏ, gom, phân loại
và xử lí rác sinh hoạt hàng ngày rất
sạch sẽ.
Chi Diệp
Vì môi trường bền vững
là chương trình chuyên biệt đầu tiên của Đài THVN về
vấn đề môi trường tại địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau
hơn một năm lên sóng, bắt đầu từ tháng 8/2017, chương trình đã phản ánh các
vấn đề lớn, mang tính tổng quan về môi trường ở khu vực miền núi, từ các vấn
đề ô nhiễm do phong tục, tập quán sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất cho đến các
tác động môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế như phá rừng, khai thác
khoáng sản, sản xuất công nghiệp... Từ năm thứ hai, chương trình sẽ tập trung
khai thác các câu chuyện, vấn đề cụ thể của từng địa phương để từ đó khán giả
có thể nhìn nhận, liên hệ và nâng cao ý thức cảnh báo tại chính địa bàn đang
sinh sống. Ngoài ra, chương trình sẽ truyền tải, cập nhật nhiều hơn nữa những
chính sách, quy định của Nhà nước trong các lĩnh vực về môi trường tới khán
giả ở khu vực miền núi.
Phỏng vấn chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm
Pha thuốc trừ cỏ ở Sơn La