

11
Tới tháng 3/2015, tôi được giao nhiệm vụ sản
xuất của dự án. Đây là dự án đầu tiên được
giao chính thức nên tôi và những đồng nghiệp
ở VTV7 cùng xây dựng format cho series và
tỏa đi tìm kiếm nhân vật, tìm những cung
đường khắc nghiệt và đẹp nhất của Việt Nam.
Cuối cùng, xã Tà Xùa, một xã nổi tiếng với
những con đường xuyên mây ở Sơn La đã
được lựa chọn cho bộ phim đầu tiên của series
Đường tới trường
.
Khi nghe các thầy cô giáo ở trường Háng
Đồng, Tà Xùa nói rằng các em học sinh ở đây
phải đi bộ quãng đường gần 30km để đến
trường, một con đường xuyên núi cheo leo,
nhiều dốc, tôi đã rất sửng sốt. Nhiều thầy cô
nói rằng đã dạy học ở đây mấy năm nhưng
cũng chưa có dịp nào vào được tận bản nơi
các em sinh sống vì đường quá xa xôi.
Nhưng ngay lúc đó, một ý tưởng khác khiến
tôi bớt lo sợ: 30km đường rừng quả là một
con số rất đáng kể, và chắc chắn trên 30km
xa xôi đó, chúng tôi sẽ có chuyện để kể. Đi
làm phim sợ nhất là thiếu chất liệu nên đây
là một tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, có lẽ
đây là chặng đường xa và mệt mỏi nhất mà
tôi từng đi từ bé đến giờ.
Bộ phim đủ sức lay động
Để khảo sát cung đường và làm quen với
nhân vật, chúng tôi đã theo chân các em
học sinh từ trường về nhà. Đoạn đầu, tôi
và biên tập Hồng Nhung còn nói chuyện
với các em rôm rả, cứ thong dong dắt nhau
đi trong rừng. Nhưng đi được khoảng 6 - 7
km lên, xuống dốc, chúng tôi bị đuối dần,
vậy mà các em học sinh vẫn đi băng băng.
Tôi và Nhung được trang bị giày dép bảo hộ
rất chuyên nghiệp nhưng mấy em học sinh
lớp 6, lớp 7 chỉ đi những đôi dép nhựa cũ kĩ,
mòn vẹt. Các em vừa đi vừa đợi chúng tôi,
nói chuyện cười đùa râm ran, khi đói thì mở
cơm nắm ra ăn với măng ngâm muối, rồi lại
chạy nhảy nghịch ngợm nô đùa… Khi về
nhà, mấy cô bé cậu bé đó vẫn có thể lập tức
giúp bố mẹ làm việc nhà. Trên đường đi, các
em thường xuyên hỏi thăm chúng tôi mệt
không và kiên trì chờ đợi khi chúng tôi bị
tụt lại. Khi trò chuyện, em nào cũng bắt đầu
bằng “thưa cô”, “thưa chị”, “dạ” “vâng” vô
cùng lễ phép. Có những em chúng tôi tình
cờ gặp trên đường, mặc dù không quen biết
nhưng các em đều cất tiếng chào chúng tôi
từ rất xa. Đó đều là những học sinh của
trường Háng Đồng, đang sinh sống trong
những bản làng xa xôi khuất nẻo trong núi.
Quan sát tác phong của các em trong những
ngày ở trường nội trú: tự giác học tập và
sinh hoạt, chúng tôi hiểu các thầy cô ở
trường Háng Đồng đã rất dày công để dạy
dỗ học trò của mình trở thành những học
sinh ngoan ngoãn và kỉ luật.
Đoàn làm phim của chúng tôi ngoài hai cô gái
(tổ chức sản xuất và biên tập) thì còn lại là các
đồng nghiệp nam. Mọi người đều đã có rất
nhiều kinh nghiệm tác nghiệp ở miền núi. Đạo
diễn Nhật Duy liên tục pha trò với anh em
trong suốt hành trình để mọi người quên đi
mệt mỏi và sẵn sàng chinh phục những cung
đường khó nhất, gian nan nhất. Sau một ngày
làm việc mệt mỏi, chúng tôi lại về trú ngụ nhờ
các thầy cô ở những điểm trường xa xôi, tự
nấu nướng cho nhau ăn. Chúng tôi ở ba, bốn
ngày liên tiếp trong rừng để có đủ thời gian
ghi lại tất cả những hình ảnh cần thiết cho bộ
phim. Với tôi, một phóng viên chuyên về
mảng công nghệ trong gần 10 năm (trước khi
sang VTV7 tôi làm ở phòng Khoa học công
nghệ của Ban Khoa giáo), vốn chỉ tiếp xúc với
những đề tài hiện đại, tân tiến, thì những ngày
sống không điện, không sóng điện thoại,
không Internet, không máy tính giữa rừng núi
hoang vu, mọi thứ đều kham khổ thiếu thốn,
với một ekip hơn chục con người không ngại
khó, không ngại khổ để làm phim là một trải
nghiệm thật mới mẻ và đáng quý. Và tôi luôn
mong muốn được tiếp tục những hành trình
như thế này.
Hành trình của các em nhỏ Tà Xùa giờ đã
được đồng vọng thêm cùng với những sẻ chia
của mọi người khi tác phẩm giành được giải
thưởng tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc…
Chúng tôi thấy sung sướng vì những nỗ lực
của cả nhóm đã được đền đáp. Chúng tôi nỗ
lực để có một bộ phim hay, chân thực và đủ
sức mạnh lay động số đông. Để những em nhỏ
từ khắp mọi miền đất nước bớt đi những gian
khó trong hành trình đi tìm con chữ, để những
giấc mơ sẽ được viết tiếp, để tinh thần lạc
quan sẽ tiếp tục được đồng vọng và lan toả
khắp nơi. Hành trình của series
Đường đến
trường
vẫn đang được viết tiếp bằng tinh thần
lạc quan đó. Ngày 01/01/2016 VTV7 chính
thức lên sóng,
Hành trình đường đến trường
của VTV7 cũng sẽ bắt đầu.
Yến Trang - Trần Kiên (Ghi)
ĐẠO DIỄN HÌNH ẢNH
HOÀNG TRỌNG
Để có góc máy đẹp và chân thực của
cảnh các em chơi đu dây bằng cây rừng,
DOP Hoàng Trọng đã đặt máy góc
contre-plongee ở sát dưới đất và bị một
bạn học sinh đu trúng vào đầu và xây
xẩm mặt mày khoảng 30 phút. Khi ghi
hình trường đoạn học sinh đi trên đỉnh
núi, trên phim là hình ảnh đồi núi tươi
xanh và các em hăm hở đến trường,
nhưng ngoài thực tế, khi DOP Hoàng
Trọng điều khiển Flying cam và Gimbal
đã bị cây dương xỉ đâm lỗ chỗ khắp
chân và xây xát máu.
ĐẠO DIỄN NHẬT DUY
Thứ cơm của bản làng Sáng mà phụ huynh
học sinh cho chúng tôi mang theo đường là
thứ gạo màu hồng nhạt, chưa được xát kĩ, ăn
hơi cứng, nhiều nhựa mà cả ekip lại thấy
ngon lạ. Thức ăn mang đi chỉ có chút ruốc,
măng muối của rừng, mâm là lá chuối... Khi
chuẩn bị lên đường về Hà Nội, chúng tôi đã
mua loại gạo đó mang theo nhưng lạ kì, khi
về thành phố, không còn cảm giác ngon như
ở rừng nữa. Hay tại thứ nước ở thành phố?
Hay tại chân đi chưa đủ mỏi? Hay tại bản
làng Sáng và Tà Xùa đã níu bước chân
chúng tôi?