21
thành kính. Lễ tế ở Đình Ngoài đã diễn ra
từ 7h sáng. Trước đó, chương trình hát
múa thâu đêm. Kiệu sơn son thếp vàng.
Các bô lão tất bật với nhiều nghi thức cổ
xưa thành kính. Trai tráng ai vào việc
nấy, thành tâm thực hiện cả phần lễ và
phần hội. Các bộ trang phục tế Thánh
sặc sỡ uy nghi. Nhạc tế tưng bừng náo
nức, xóm thôn rộn rã.
Sau màn tế lễ Đức Thánh Tản kính
cẩn, uy nghiêm, hàng trăm mâm cỗ được
trai tráng dọn ra ngay trước sân đình.
Dân làng cùng nhau vui vẻ nâng chén
rượu mừng lễ hội thành công, chúc cho
nhau một năm mới an khang, thịnh
vượng. Có tham dự một bữa cỗ của làng
như thế này, mới thấy rõ sự gắn bó quý
báu của tình làng, nghĩa xóm ở các vùng
thôn quê Việt.
Trong khi mọi người vẫn đang say
sưa cổ vũ cho cuộc chung kết cờ tướng
của hai cao thủ trong làng được tổ chức
ngay sau khi buổi tiệc tan thì vợ chồng
anh Giáp dẫn chúng tôi đi thăm làng. Anh
vừa nhai trầu vừa kể về nguồn gốc và lí
do ra đời của món đặc sản chè lam
Thạch Xá. Đó là bởi từ tấm lòng người
dân địa phương cũng như sự thành kính
của Phật tử dâng lên lễ Phật, lễ Thánh
và thờ cúng tổ tiên trong dịp lễ Tết. Chè
lam Thạch Xá được người thợ chế biến
rất cẩn thận từ những nguyên liệu đơn
giản, quen thuộc của miền quê. Nguyên
liệu chính có bột nếp, đường kính và
mạch nha. Ngoài ra, để dậy hương cho
bánh người ta dùng thêm những gia vị
khác như nước gừng tươi, bột quế, đậu
phộng (lạc rang). Anh Giáp cho biết, thời
xưa, mỗi dịp Tết đến hoặc vào mùa lễ
hội, làng Thạch Xá lại nhộn nhịp với tiếng
chày giã bột chè lam. Nay không có
nhiều gia đình dùng chày giã bột (được
thay bằng máy xay) nhưng bánh chè lam
nơi này vẫn có vị và hương thơm riêng,
giản dị nhưng cũng khá đặc biệt. Chúng
tôi không quên ghé vào một cửa hàng
chè lam để thưởng thức. Vợ chồng anh
bạn Việt kiều hào hứng mua cả một túi to
để mang sang Mỹ làm quà.
Người dân Thạch Xá còn là những
nghệ sĩ vô cùng khéo léo. Ở đây có nghề
làm đồ gỗ nổi tiếng và món đồ chơi được
trẻ con yêu thích là chuồn chuồn tre cũng
được làm bởi đôi bàn tay nghệ nhân
Thạch Xá. Khi được nhìn thấy những
cánh chuồn chuồn tre đậu trên tay, hẳn
ai cũng sẽ chợt nhớ về tuổi thơ nhiều kỉ
niệm. Để làm ra những con chuồn chuồn
tre sinh động, đòi hỏi người thợ trải qua
hơn 10 công đoạn khác nhau. Các nghệ
nhân khác phải chọn được những thân
tre bánh tẻ, không quá già cũng không
quá non. Những thân tre ưng ý sẽ được
cạo bỏ lớp xanh bóng và phơi khô, sau
đó mới được chẻ ra thành từng đốt để
làm chuồn chuồn. Từ những thanh tre
thô cứng, từng đàn chuồn chuồn tre của
Thạch Xá đã bay đi khắp mọi miền,
mang theo kí ức êm đềm của tuổi thơ
cho mọi người.
Xứ Đoài là miền di sản “mỗi bước
chân mỗi huyền thoại”, ai chưa thấu cảm
hết điều này, xin cứ về với hội làng
Thạch sẽ hiểu ngay. Chỉ một lễ hội ở một
thôn giữa mênh mông châu thổ Bắc bộ,
đã hàm chứa bao lớp lang văn hóa lịch
sử đáng tự hào. Việt Nam ta có hơn 8
nghìn lễ hội lớn nhỏ mỗi năm, lại tập
trung chủ yếu vào mùa xuân. Vì thế, du
xuân cũng chính là thêm một lần bạn đi
qua và thêm lưu luyến với các miền di
sản, như Thôn Thạch, xứ Đoài.
Bài và ảnh:
MAI CHI
Một ngày du xuân được sống và cảm
nhận những nét văn hóa làng quê độc
đáo của Thạch Xá sẽ là những dư âm
ngọt ngào lưu mãi trong kí ức chúng tôi
như hương vị của món chè lam truyền
thống nơi đây. Chè lam và những chú
chuồn chuồn tre còn theo chân gia đình
bạn tôi tới nước Mỹ bên kia địa cầu để
giới thiệu với bạn bè quốc tế. Chúng tôi
đã hẹn nhau cùng hội ngộ ở hội đình
làng Thạch Xá mùa xuân năm sau.