43
Sang bên kia cửa Tiểu, chúng tôi tiếp
tục hành trình đến cửa Đại nằm ở huyện
Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Cửa Đại,
như tên gọi, rộng lớn mênh mông. Phà
qua sông mất khoảng 30 phút và tôi đã
kịp ghi lại những hình ảnh sông nước,
cửa sông ở phía xa xa. Bên kia cửa Đại
là huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Trong
đoàn đi cùng chúng tôi có một người là
cư sĩ Phật giáo dòng Kim Cương Thừa.
Vị này đã thành kính làm lễ Phật qua
mỗi cửa sông, đoàn chúng tôi cùng tham
dự vào lễ Phật và cảm thấy rằng chuyến
đi này của mình trở nên thiêng liêng, ý
nghĩa hơn.
Từ Cửa Đại, men theo con đường
của xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh
Bến Tre, chúng tôi đi tiếp đến cửa Ba
Lai. Con sông Ba Lai trải qua nhiều năm
tháng nay bị bồi đắp hết, thay vào đó là
con đập Ba Lai dài 544m và Cống Ba
Lai có 10 cửa. Cống và đập Ba Lai ngăn
mặn, tạo nguồn ngọt, thau chua rửa phèn
nhằm cải tạo đất canh tác nông nghiệp và
cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều huyện
và thành phố Bến Tre. Ngày nay cửa Ba
Lai không còn nữa, song chúng tôi vẫn
vượt bến đò tượng trưng cho việc đi qua
cửa sông.
Qua sông Hàm Luông, con sông được
ghi dấu nhiều trong văn thơ nhạc họa,
chúng tôi ngỡ ngàng trước từng cơn sóng
lớn mạn đò. Đường ra bến đò Tiệm Tôm
qua cửa Hàm Luông là một con đường
nhỏ hẹp, nằm khuất trong hẻm, chỉ vừa
xe máy. Nhưng cửa sông Hàm Luông thì
rộng và tít tắp đến vô cùng. Có lẽ vì đò
gần biển, nên khi đi đò qua Hàm Luông,
cửa Cổ Chiên và Cung Hầu, sóng đều
rất lớn. Xe máy trên đò được xếp rất sát,
nhằm tránh làm đổ, người thì phải mặc áo
phao để đảm bảo an toàn. Cửa Cổ Chiên
qua đò Bến Chổi và cửa Cung Hầu qua
đò Long Hòa đều thuộc đất Trà Vinh. Kết
thúc hành trình ngày thứ nhất, chúng tôi
đã chinh phục được 6 cửa sông.
Từ thị trấn Cầu Ngang của huyện
Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh, chúng tôi xuất
phát đi cửa Định An. Dọc đường đi có rất
nhiều ngôi chùa Khmer vàng son lộng lẫy
với những người dân hồn hậu, chất phác,
nhiệt tình chỉ đường, có người còn mời
cả đoàn vào nhà chơi, nhưng tiếc là thời
gian không cho phép nên chúng tôi phải
khước từ tấm thịnh tình. Con đò qua cửa
Định An rất nhỏ, xe nhiều, người ngồi
san sát đến mức không thể mặc áo phao
làm cho tôi thoáng chút lo âu. Có lẽ, nơi
này đang rất cần những con đò mới, chắc
chắn hơn, tiện nghi hơn.
Bên kia cửa Định An là đất Sóc Trăng,
hành trình của chúng tôi lại tiếp nối đến
với cửa Ba Thắc. Cửa sông Ba Thắc nay
cũng không còn nữa, đã bị phù sa bồi
đắp và chỉ còn duy nhất nhánh sông Cồn
Tròn nối với sông Hậu đổ ra biển. Sau
một chặng đường băng qua những ruộng
mía xanh ngắt, những cây hoa nhiều màu
sắc hai bên đường, chúng tôi lên đò Chín
Liêm, tượng trưng cho việc đi qua cửa
Ba Thắc trước khi đến với cửa cuối cùng,
cửa Trần Đề cũng thuộc đất Sóc Trăng.
Bến đò đi qua cửa Trần Đề tên là Rạch
Tráng. Khi qua đò Rạch Tráng, chúng tôi
đã dừng chân, múc nước sông Cửu Long
rửa mặt để đánh dấu một hành trình kì
thú và an toàn.
Trên con đường đi tìm 9 cửa sông Cửu
Long, tương tự như đi tìm kho báu
9 đầu rồng ấy, tôi đã nhận được những tình
cảm nồng hậu của người dân địa phương,
nhận thấy tình đoàn kết, gắn bó, của các
thành viên trong đoàn. Tôi đã nhìn thấy
9 cửa Cửu Long, một phần máu thịt của
Nam Bộ, của Tổ quốc Việt Nam. Kho báu
chính là đây, chứ chẳng phải đâu xa.
Hà Thanh Vân
Chùa Tha La nổi tiếng của đất Trà Vinh
Dắt xe máy từ đò Định An lên bờ
Đò qua cửa Trần Đề