37
PAY TV
chồng…
”.
Chỉ với những ai sinh ra ở
miền Tây này mới cảm được rõ nhất
cái thứ ngôn ngữ chân chất đó trong
máu thịt của mình. Vì thế, có người đi
làm lại chứng minh nhân dân, vẫn ghi
vô tờ khai là nơi sinh “Cửu Long” theo
thói quen khiến nhiều người thế hệ
sau thời tách tỉnh không hiểu. Thật ra,
Cửu Long ngày xưa giờ là Trà Vinh và
Vĩnh Long.
Chúng tôi dừng chân ở Hậu
Giang. Thị xã Ngã Bảy hiền khô nằm
bên dòng sông Hậu chào đón chúng
tôi vào một buổi tối lộng gió. Đúng
là hiền khô thiệt khi thành phố quá
yên bình và có cảm giác như một
người bạn ngơ ngác chỉ đứng xa và
mỉm cười tỉnh rụi thôi chứ không dám
cười thành tiếng. Chúng tôi có một
bữa tối thịnh soạn với đủ loại đặc
sản miền Tây như cháo cá lóc thơm
nức mũi, gỏi xoài khô cá sặc… tất cả
đánh thức các giác quan và chỉ còn
biết ngồi cắm cúi xì xụp ăn cho đã
cơn thèm.
Chúng tôi dậy rất sớm để kịp đi
chợ nổi Ngã Bảy vào sáng hôm sau.
Chợ Ngã Bảy bây giờ đã bị dời đi
sâu về mé rạch Ba Ngàm. Được hình
thành từ những năm đầu của thế
kỉ trước, trên một đoạn kênh mênh
mông, chợ nổi Ngã Bảy đã trở thành
một trung tâm giao thương, nơi bán
sỉ các loại trái cây và hàng nông sản
của địa phương theo kiểu mùa nào
thức ấy. Cũng từ đó, để phục vụ giao
thương, nơi đây đã hình thành xóm
làm xuồng, làng làm ghe ở đầu doi
Tân Thới Hòa, doi Chảnh, doi Cát dài
hơn 1km với cả trăm hộ…
Khác với chợ trên bờ, chợ nổi là
chợ động, bởi các ghe thuyền luôn
dao động theo con nước lớn, nước
ròng. Khi mặt trời chưa ló dạng, hàng
trăm ghe, thuyền đã neo đậu san
sát tạo thành một bức tranh dung dị
trong làn sương sớm. Tiếng máy nổ,
tiếng chèo khua nước, tiếng sóng vỗ
vào mạn thuyền làm xao động cả
một vùng sông nước. Đặc biệt, mỗi
ghe chỉ bán độc một món hàng, sản
phẩm được treo trên đầu một cây
sào dài được người địa phương gọi
là “bẹo”. Vài ba cái xuồng lướt qua
lướt lại, hoặc nằm im tĩnh lặng, chỉ
có một ghe bún riêu bươn bả đi bán
thoăn thoắt. Vài thương lái đứng ở
mũi xuồng nhìn ra xa xăm. Vài người
vẫn lạc quan vì nghe đồn là đang có
kế hoạch cải tạo để chợ nổi Ngã Bảy,
thương hiệu của xứ này, về lại đúng
thời tấp nập xưa kia.
Chúng tôi tạm biệt chợ Ngã Bảy
mà vẫn còn bùi ngùi lắm. Chợt nhớ
tới lời ca trong bài vọng cổ
Tình anh
bán chiếu
của soạn giả Viễn Châu:
“…
Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào
trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm
xưa chẳng thấy ra chào…”. Chợ nổi
Ngã Bảy với bản sắc văn hóa giao
thương độc đáo miền sông nước đã
trở thành một trọng điểm được sự
quan tâm chú ý của biết bao người.
Tôi tự nhủ, không biết mấy năm nữa
quay lại đây, có được thấy cô bán
hàng Ngã Bảy ra chào khách hay
không…
Tada Le
Photos:
Doan Tuan