31
Thái Lan, Pháp, Italia, Bỉ, Hà Lan..., Bùi
Mai Hiên cũng là thành viên tích cực của
Triển lãm nữ họa sĩ quốc tế 2012 Việt
Nam, 2013 Seoul, 2014 Ulanbator...
Hơn 30 năm theo đuổi dòng tranh
đặc biệt có một không hai, đó là tranh
vải, họa sĩ Trần Thanh Thục luôn mang
đến sự mới mẻ và những bất ngờ cho
giới mĩ thuật. Được giới họa sĩ đánh giá
là người dũng cảm, dám tự mình làm
“một cuộc cách mạng” trong chất liệu
vẽ tranh bằng cách thể hiện trên mặt
phẳng hoàn toàn của men gạch, họa sĩ
Nguyễn Thị Lan Hương mang đến chất
lửa riêng không kém phần độc đáo.
Trong khi đó, họa sĩ Trần Thuỳ Linh
lại say mê, đắm đuối với vẻ đẹp của
sự suy tưởng mà chị đã khám phá ra
khi đeo đuổi dòng tranh trừu tượng. Sự
tương đồng trong tư duy mĩ thuật của
họ thể hiện rõ trong các tác phẩm của
triển lãm lần này. Những góc rừng Tây
Bắc đẹp nao lòng, những cánh hoa dại
nhảy múa, cảnh sắc đại ngàn hùng vĩ
và cả những suy tư về không gian sống
đầy nội tâm..., tất cả đi vào tranh của
họ một cách tự nhiên với mọi cung bậc
thăng trầm, với sự đa dạng của ngôn
ngữ thể hiện. Không chỉ ngợi ca thiên
nhiên, những bức tranh ấy mang tới
cho người xem những khát khao, mơ
ước và trăn trở thầm kín… qua từng nét
cọ, những vệt chảy của màu acrylics,
mảng sáng tối của chất liệu vải hay sự
trong suốt đến không ngờ của sơn dầu.
Sự “tung tẩy” trong bút pháp và trong
không khí “phiêu du” mà họ tạo ra
trong những tác phẩm có đề tài giản dị
tưởng như đã quen thuộc mà vẫn không
kém phần lôi cuốn.
Tác phẩm của họa sĩ Đỗ Đình Cường
Tác phẩm của họa sĩ Bùi Mai Hiên
Tác phẩm của họa sĩ Trần Thùy Linh
Bốn hoạ sĩ nam lại là bốn cá tính
khác biệt, không hẹn mà cùng bày tranh
theo đề tài nữ giới. Mỗi người theo một
cách rất riêng, họ cùng nhau tạo nên một
thế giới nữ như hư, như thực, một cách
rất đàn ông. Nếu như bút pháp mềm mại
và đặc thù của chất liệu lụa giúp họa
sĩ Lâm Thanh tạo nên những thiếu nữ
như bước ra từ quá khứ, nuột nà ngọc
ngà như ngọc nữ bên những bông sen
tinh khiết, nude mà không chút gợi dục,
thì những người đàn bà của họa sĩ Trần
Quang Hải lại mang một vẻ đẹp đầy ma
mị, khiêu khích, đậm cá tính trong một
không gian siêu thực, sâu thăm thẳm nhờ
những lớp sơn ta.
Tranh của Đỗ Đình Cường với chất
liệu tổng hợp và Thái Vĩnh Thành với
acrylics phản ánh những nét đặc trưng
của giới nữ Việt thời hiện đại. Những cô
gái thành phố vừa hiện đại vừa truyền
thống, gần gũi, nhờ cách xử lí bề mặt
và tạo hình đặc trưng của hoạ sĩ. Những
nhân vật nữ trong tranh của các hoạ
sĩ đàn ông ấy là thế giới khác biệt đầy
phong phú nhưng đều ăm ắp nội tâm.
Các tác phẩm không chỉ đem đến vẻ đẹp
lồ lộ từ những đường cong mà còn đem
đến những không gian được tạo dựng bởi
những bút pháp tinh tế và phong cách hội
hoạ rất riêng của mỗi người.
Sự ra mắt của G8 Art với triển lãm
ấn tượng sẽ là điểm nhấn của không gian
mĩ thuật Thủ đô đầu xuân Đinh Dậu.
Mai Chi