46
Ekip thực hiện lội suối cùng các thầy
để ghi hình bắt cá cải thiện bữa ăn
T
iểu học Tri Lễ có lẽ là ngôi trường độc đáo
và có nhiều cái “không” nhất mà tôi từng
biết: không điện, không sóng điện thoại,
không nước sạch, không trạm y tế, không
chợ, không phòng học kiên cố, không nhà công vụ
kiên cố cho giáo viên, không công trình phụ cho cả
giáo viên và học sinh… Và đặc biệt, ở ngôi trường
này, 44 giáo viên ở tất cả 6 điểm trường, nằm rải
rác trên dãy Phà Cà Tún, đều là nam giới.
Bên cạnh nhiều cái “không” kể trên, có lẽ lí do
khiến cho không một giáo viên nữ nào dám về Tri Lễ
kể từ ngày thành lập trường năm 1982 đến nay là
bởi con đường đến trường vô cùng khó khăn, nguy
hiểm. Từ thị tứ Châu Thôn vào điểm trường chính ở
Mường Lống dài gần 30km nhưng chỉ có 1/3 là
đường nhựa, còn lại là đường núi khó đi và hiểm trở.
Đường không ra đường, mà chỉ là những lối mòn
cheo leo vắt qua sườn núi, mất cả tiếng đồng hồ
chạy xe máy, còn những ngày mưa thì chỉ có thể đi
bộ nửa ngày mới vào được đến trường.
Dốc Đỏ mới thực sự là nỗi kinh hoàng của những
ai muốn vào Tri Lễ. Con dốc chỉ dài hơn nửa cây số,
những ngày nắng, bụi tung mù mịt với những đường
sống trâu sâu hoắm. Trời chớm mưa, cả con dốc
biến thành đống bùn nhão nhoét, bánh xe dính chặt
bùn lầy, muốn vượt qua thường phải đi thành từng
nhóm ít nhất bốn người, để có thể hỗ trợ khênh từng
xe vượt dốc. Khi nghe tin đoàn làm phim vào ghi
hình, các thầy giáo phải đích thân ra thị tứ Châu
Thôn để đón và chở vào tận nơi, bởi vì không một
người lái xe ôm nào đủ can đảm nhận lời, dẫu
chúng tôi đã trả giá tới 500.000 đồng mỗi người cho
đoạn đường núi gần 20km.
Tri Lễ có 6 điểm trường nằm rải rác khắp dãy Phà
Cà Tún cao ngút trong mây. Từ điểm trường chính
đến các điểm lẻ, điểm xa nhất cách gần 30km, điểm
gần nhất cũng cả chục km đường núi chênh vênh,
hiểm trở. Dường như ở đây chỉ có bước chân của
những người Mông và dấu bánh xe của các thầy
giáo cắm bản. Mà có lẽ, dấu xe đi về hàng tuần,
hàng tháng của các thầy đến lớp còn nhiều hơn
bước chân của những người Mông chuyên leo núi.
Sau hơn tiếng đồng hồ thấp thỏm, đặt hết niềm
tin vào tay lái các thầy giáo vốn quen đường, thuộc
lối, nhóm làm phim và đại diện Công đoàn ngành
giáo dục đặt chân xuống điểm trường chính ở
Mường Lống mới dám thở phào nhẹ nhõm, nhưng
lại... không khỏi lo sợ nghĩ tới lúc quay trở ra.
Có lẽ điều lo lắng nhất của nhóm làm phim
chúng tôi trong chuyến ghi hình này là không có điện
để sạc pin cho máy quay phim. Hệ thống điện bằng
năng lượng mặt trời mà huyện Quế Phong và Phòng
giáo dục vừa hỗ trợ hồi đầu năm cho điểm trường
chính ở Mường Lống không đủ điện áp để nạp điện.
Cái khó ló cái khôn. Tôi liền nhờ thầy Nguyễn Trọng
Quyền, Phó Hiệu trưởng, cử người đi xe máy quay
ngược ra Châu Thôn thuê một bộ nắn dòng và kích
điện. Sau đó, tôi loay hoay kết nối hai bình acquy
12V vào với nhau, rồi nối với bộ kích điện để chuyển
từ 24V sang điện thế 220V. Vậy là có nguồn điện
vừa đủ điện áp, vừa ổn định để sạc ắc quy cho máy
quay trong những ngày “bốn cùng” với các thầy
giáo ở Tri Lễ: cùng ăn, cùng ngủ, cùng trải nghiệm
các hoạt động dạy học và cùng sinh hoạt.
Về ăn, chúng tôi ăn cùng với các thầy. Có gì ăn
nấy. Nhưng phải nói thật, tôi sợ nhất món canh
măng rừng nấu với chiến lợi phẩm cả chiều lội suối
đánh bắt, gồm dăm con tép, vài con cá suối các loại,
lẫn với chục con cào cào, châu chấu… Món ăn ấy
vừa tanh, vừa nồng, vừa khó nuốt. Ấy vậy mà các
thầy vẫn ăn rất ngon miệng, vừa chuyện trò vui vẻ,
bởi món “canh thập cẩm” này là “đặc sản có tính
truyền thống và bền vững” ở nơi đây.
Về ngủ, lúc đầu trường dự kiến nhường một
phòng tốt nhất trong “khu nhà công vụ” được làm
bằng gỗ nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng cho
chúng tôi, còn các thầy sẽ ngủ chung và di tản vào
ở lẫn trong dân. Nhưng trước khi đi, tôi đã dự kiến
khả năng này, nên chủ động mang theo lều cắm
trại. Quay phim Nông Quốc Phong còn mang theo
cả đèn Led chạy bằng pin tiểu. Nhờ vậy, chúng tôi
không chỉ tự lo được chỗ ngủ cho mình vừa ấm
cúng, vừa tránh được đàn muỗi rừng cứ chập tối
lại bay ra hàng đàn mà còn có cả ánh sáng để đọc
tài liệu.
Trong 5 ngày 4 đêm ghi hình ở Tri Lễ, chúng tôi
không chỉ cảm phục mà còn thực sự kính trọng trước
cái tâm trong sáng, lòng yêu nghề, quý trẻ, hết lòng
vì sự nghiệp "cõng chữ lên non" của các thầy giáo
nơi đây. Trường không có giáo viên nữ, nên các thầy
vừa là người dạy kiến thức, vừa đảm trách luôn cả
vai trò “cô giáo như mẹ hiền”. Từ việc cắt móng tay
định kì, chải đầu, buộc tóc, đến việc hướng dẫn các
em tự chăm sóc bản thân, giữ gìn vệ sinh thân thể.
Lúc đầu còn ngượng nghịu, đôi khi còn ngại ngùng,
xấu hổ, nhưng làm mãi thành quen, giờ đây, những
công việc ấy đã trở thành một hoạt động hàng ngày
rất bình thường của các thầy giáo ở vùng cao Tri Lễ.
Ở Tri Lễ không có sóng điện thoại, mỗi khi cần
liên lạc, các thầy phải đi xe máy hàng nửa tiếng
đồng hồ đến một điểm dừng ở lưng chừng núi. Tại
đây, trong khoảng nửa mét vuông thỉnh thoảng mới
nhận được sóng rất yếu của mạng Vinaphone. Vì
thế, các thầy thường tập trung để hai, ba máy trên
một cành cây làm giá đỡ kiểu như cộng hưởng để
“gọi sóng về”. Khi có sóng thì nói vội, nói vàng được
vài câu và phải đứng im một chỗ, vì chỉ cần nhích
người đi một chút là lại mất sóng.
Qua quá trình tiếp xúc và tìm hiểu, tôi được biết
thầy giáo Nguyễn Trọng Quyền, Phó Hiệu trưởng -
Chủ tịch Công đoàn trường, là người có nhiều nhất
những chuyến đi về giữa các điểm trường. Đi để nắm
tình hình, kịp thời động viên, uốn nắn và giải quyết
những khúc mắc về chuyên môn nghiệp vụ, cũng
như tâm tư tình cảm của giáo viên cắm bản. Vì thế, ở
Tri Lễ này, tay lái của thầy được đánh giá là “cứng”
và “lụa” nhất. Ấy vậy mà trong hành trình đèo tôi
đến điểm trường Nậm Tột, nơi cao nhất, xa nhất,
khó khăn nhất của Tri Lễ, nằm tít trên đỉnh Phà Cà
Tún, suýt chút nữa chúng tôi bị rơi xuống vách núi.
May mà tôi kịp nhảy xuống túm giữ được đuôi xe.
Có một điều đáng mừng là trước khi đi ghi hình
phóng sự, qua trang Facebook cá nhân của tôi, biết
được những khó khăn, vất vả và thiếu thốn ở ở
trường Tiểu học Tri Lễ 4, nhiều bạn bè đã ngỏ ý
muốn giúp đỡ. Và chuyến đi “Mùa đông không
lạnh” của đoàn thiện nguyện với nhóm làm phim ấy
đã mang 430 chiếc chăn ấm, 15 áo rét, 1 tủ sách kĩ
năng sống cùng nhiều bánh kẹo đến tận tay cả thầy
và trò của nhà trường.
Hơn 20 năm làm truyền hình về giáo dục, tiếpxúc với hàng ngàn giáo
viên, đã đến hàng trăm ngôi trường, nhưng chuyến đi làm phóng sự
cho chương trình
Thay lời Tri ân 2016
ở vùng cao Tri Lễ, huyện Quế
Phong, tỉnh Nghệ An đã đem đến cho phóng viên Văn Ba nhiều dấu ấn
thật khó phai. Câu chuyện mà anh chia sẻ không chỉ phản ánh hành
trình "cõng chữ lên non" đầy gian nan của các giáo viên vùng cao,
mà còn giúpkhán giả hiểu hơn công việc làmtruyền hình đầyvấtvả
của các phóng viên VTV.
Chuyện "4 cùng"
ở vùng cao Tri Lễ
YẾN TRANG
(Ghi)
Có một điều chắc chắn, dù còn nhiều khó
khăn, thiếu thốn, hiểm nguy rình rập, giữa chốn
rừng thiêng nước độc, 44 thầy giáo ở Tri Lễ vẫn
ngày tiếp ngày, đêm nối đêm âm thầm gieo
chữ nơi biên viễn của Tổ quốc. Trong số họ, có
thầy hơn 40 tuổi vẫn chưa lập gia đình, không ít
người đã gần 25 năm bám trụ cùng các em
học sinh người Mông trên đỉnh núi cao chót vót,
hi sinh cả tuổi thanh xuân, tình nguyện cắm
chốt nơi sơn cùng thủy tận chỉ vì lòng yêu nghề,
quý trẻ, hết lòng vì sự nghiệp
Cõng chữ lên non.
Quay phim Nông Quốc Phong lội bùn tác nghiệp ở dốc Đỏ
PV Văn Ba bên bộ ắc quy đã được đấu nối hoàn chỉnh
để có đủ điện sạc cho máy quay trong mấy ngày ở trường
PV VTV ăn mì tôm cùng với các thầy giáo ở Tri Lễ
Xuân Đinh Dậu 2017