18
PAY TV
thế giới giải trí
M
ột sự kiện thu hút sự chú
ý của công chúng Thủ
đô những ngày đầu thu
vừa qua chính là triển
lãm 12 dòng tranh dân gian của nhà
sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám
đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội kết hợp
giới thiệu bộ sưu tập tranh dân gian
của Bảo tàng Hà Nội. Sự kiện này đã
tạo nên cơn “sốt” xem tranh hiếm có
từ trước đến nay. Khán giả không chỉ
mãn nhãn với các tác phẩm tranh
dân gian nổi tiếng như: Lý ngư vọng
nguyệt, Thất đồng, Ngũ hổ, Tố nữ;
bộ tranh: canh, tiều, ngư, mục (nhà
nông, tiều phu, đánh cá, chăn trâu)
mà còn được biết thêm nhiều dòng
tranh dân gian khác như: tranh thờ,
tranh kiếng, tranh Kim Hoàng…
Có thể nói, triển lãm 12 dòng tranh
dân gian của nhà sưu tập Nguyễn
Thị Hòa và bộ sưu tập tranh dân gian
của Bảo tàng Hà Nội đã đem đến
bức tranh tổng thể, đa sắc về loại
hình nghệ thuật vốn có sức sống lâu
bền trong đời sống của nhân dân ta
từ ngàn đời nay.
Nếu như tranh Đông Hồ nổi tiếng
quen thuộc với người dân đồng
bằng Bắc bộ thì tranh Kiếng Nam bộ
là sản phẩm không thể thiếu trong
nghệ thuật trang trí nội thất của
người dân Nam bộ.
Anh Hoàng Minh Đăng, kĩ sư tin học
dẫn hai con nhỏ xem triển lãm đã
dừng chân khá lâu để nghiên cứu
dòng tranh dân gian Kim Hoàng của
các nghệ nhân Hoài Đức - Hà Nội.
Đây là dòng tranh được hình thành
vào nửa sau thế kỉ 18, có đủ loại
tranh thờ cúng, tranh chúc tụng như
một số dòng tranh khác cùng thời
tranh Đông Hồ, Hàng Trống. Nhưng
tranh Kim Hoàng lại kết hợp nhiều
ưu điểm của hai dòng tranh đó, có
nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh
Đông Hồ, màu sắc tươi như tranh
Hàng Trống.
Đến nay dòng tranh Hàng Trống chỉ
còn một mình họa sĩ Lê Đình Nghiên,
là con cháu của nghệ nhân Lê Đình
Liệu, xưởng vẽ ở phố Cửa Đông -
Hà Nội hiện còn lưu giữ khoảng 50
ván in, cổ nhất có độ tuổi chừng
200 năm. Có mặt trong ngày khai
mạc triển lãm, nghệ nhân trẻ Lê
Hoàn - con trai của nghệ nhân ưu
tú Lê Đình Nghiên đã trưng bày bức
tranh dân gian Hàng Trống “Tứ phủ
công đồng” có kích thước lớn nhất
từ trước tới nay (1,4 x 1,8 m), là một
trong những điểm nhấn được công
chúng đặc biệt quan tâm.
Tranh làng Sình là dòng tranh mộc
bản được sử dụng phổ biến ở cố đô
Huế với mục đích duy nhất là phục
vụ thờ cúng, cúng xong là đốt. Vì
vậy, phần đông công chúng đến
xem đều thừa nhận đây là lần đầu
tiên họ biết đến dòng tranh này. Trên
thực tế, chỉ còn những bản khắc gỗ
là hiện vật quý giá còn lưu giữ được
ở nhà ông Kỳ Hữu Phước - một nghệ
nhân làm tranh lâu năm ở làng Sình.
Ngoài ra, phải kể đến tranh Thập
vật được in ra từ các chùa làng Việt
khắp châu thổ Bắc bộ. Nội dung
của loại tranh này thể hiện nét tâm
linh một thời của người Việt thời chế
độ phong kiến. Cùng với tranh khắc,
mĩ thuật dân gian Việt Nam còn có
những bức tranh vẽ tay của các
tác giả khuyết danh thuộc dân tộc
thiểu số ở vùng miền núi phía Bắc:
Tày, Nùng, Dao, Cao Lan… Tranh thờ
của các dân tộc thiểu số mang sắc
thái và giá trị thẩm mĩ riêng, bố cục
lạ, hẹp, dài, dày đặc các nhân vật
thần linh. Màu sắc tranh thờ thường
là màu bột và một số màu lấy từ tự
nhiên (đá sỏi son, lá chàm, hoa hòe,
than lá tre, bột vỏ sò vỏ điệp…) tạo
nên sự quện ấm tươi tắn, linh thiêng.
Triển lãm 12 dòng tranh dân gian
tại Bảo tàng Hà Nội không chỉ giúp
công chúng yêu nghệ thuật dân tộc
chiêm ngưỡng những dòng tranh
dân gian nổi tiếng của Việt Nam,
trong đó có những dòng tranh ít
được biết tới hoặc đã thất truyền
mà còn là một hoạt động nhằm
đánh thức và lan tỏa tình yêu nghệ
thuật truyền thống nói chung, tranh
dân gian Việt Nam nói riêng. Đây
cũng chính là hồi chuông báo động
sự cần thiết có phương án bảo tồn
và phát huy các giá trị nghệ thuật
truyền thống, lưu giữ và làm phong
phú thêm kho tàng văn hóa dân
gian Việt Nam.
Ngọc Mai
Triển lãm thu hút đông đảo công chúng
Tranh Đông Hồ
Tranh làng Sình
Khám phá
dòng tranh dân gian
12