47
tâm thì sẽ không thể trải nghiệm được
nên càng thấy thích thú. Cứ muốn đi và
đi tiếp”. Chị Thanh Nga, một thành viên
kì cựu nhất của Hội Thám hiểm hang
động Việt Nam, đã chinh phục được
hơn chục hang động khắp mọi miền đất
nước. Trải nghiệm ấn tượng nhất của chị
là hang ở Đồng Tĩnh (Tĩnh Gia, Thanh
Hóa). Ở đây có những kì quan khó có
thể bắt gặp ở hang khác như vòi hoa sen
tự nhiên, những lớp thạch nhũ chồng
lên nhau như ruộng bậc thang. Bơi ngửa
trong hang để ngắm nhìn, thậm chí đôi
chỗ có thể chạm tay vào vẻ đẹp tự nhiên
do sự kiến tạo địa chất hàng triệu năm là
một trải nghiệm vô cùng đặc biệt.
Khám phá hang động là một môn thể
thao mạo hiểm, kén người chơi, có người
chỉ thử được một đoạn đường, có người
đi một lần và không bao giờ dám quay
lại lần sau. Và đặc biệt không dành cho
những cô nàng “bánh bèo”. Người chơi
không chỉ phải trang bị kĩ năng sinh tồn,
đồ chuyên dụng đầy đủ mà còn phải có
“máu” dấn thân và sức khoẻ bền bỉ.
Trong nhóm tham gia khám phá hang
động, Diệu Linh có vẻ ngoài nhỏ nhắn
nhưng lại rất nhanh nhẹn và dai sức. Lợi
thế đó giúp cô vượt qua những chướng
ngại sốc nhiệt khi phải di chuyển từ trên
cạn lại xuống nước lạnh, đến khi bơi ấm
người lại leo lên cạn. Các cô gái vượt
hang động cũng cần phải có cơ tay thật
chắc để đu vách hoặc bám tường đá.
Họ sẵn sàng bò trên đất bùn một đoạn
dài để đến được điểm ấn tượng nhất là
“bầu trời đầy sao” do các hạt nước bám
ở trần hang cách mặt người chỉ 60cm ở
hang Chùa Hao (Ninh Bình). Hoặc lăn
lộn sâu trong hang, cả đoàn tắt hết đèn,
đứng im một chỗ và lắng nghe những
giọt nước rơi tí tách.
Phụ nữ tham gia du lịch mạo hiểm
hang động chắc chắn phải tạm biệt
các thể loại váy. Tuy nhiên, điều đó là
chuyện nhỏ. Thường đường đi trong
hang leo qua vách đá, thậm chí có
những quãng phải bơi qua hố nước đầy
đá lởm chởm nên sau mỗi chuyến đi,
chân tay có thêm nhiều vết thâm tím,
sẹo. Điều thú vị nhất, hứng thú nhất
là các chuyến đi do Hội Thám hiểm
hang động Việt Nam tổ chức đều là
những hang tự nhiên, nguyên sơ. Nhưng
đó cũng là lí do khiến phái nữ rơi vào
không ít tình huống khó. Đường đến cửa
hang, họ phải đi bộ qua ruộng hay rừng,
nên bị vắt hay đỉa cắn là chuyện thường
xuyên. Nhiều tình huống bất ngờ khác
như cả đàn dơi ào vào tối tăm mặt mũi
hay vào trong hang gặp trăn, rắn, rết,
bọ cạp… đã khiến không ít chị em quyết
định bỏ của chạy lấy người. Thực tế, cơn
ác mộng thực sự của họ chính là đang
ở trong hang mà ngoài trời đổ mưa. Do
đó, trước mỗi chuyến đi, luôn có nhóm
tiền trạm để nắm tình hình. Trên hành
trình, họ đều bám sát thông tin thời tiết
và xem dòng nước, nếu thấy nước đục
lên là cả nhóm lập tức rút lui.
Khi tham gia hội thám hiểm hang
động, chị em luôn được những thành
viên kì cựu, nhiều kinh nghiệm hướng
dẫn các kĩ năng cơ bản về cứu hộ, cách
sơ cứu vết thương, chuẩn bị những vật
dụng cần thiết phải mang theo, cách
xử lí khi xảy ra tình huống. Điều quan
trọng, tính kỉ luật và đoàn kết trong hội
là rất cao. Thành viên tham gia mỗi
chuyến thám hiểm đều phải tuân thủ
nghiêm những quy tắc an toàn. Hành
trang trong mỗi chuyến đi hang của
họ không thể thiếu những vật dụng
quan trọng như đèn pin, giày, túi chống
nước... Chúng đều có giá vài triệu đồng
và chủ yếu phải đặt mua từ nước ngoài.
Giày đi hang luôn là một trong những
vật dụng được họ ưu tiên đầu tư nhất bởi
nó đảm bảo cho sự an toàn trong xử lí
các tình huống khó. Với một số thành
viên nữ, “bùa hộ mệnh” chính là chiếc
còi bằng bạc luôn đeo ở cổ như trang
sức, đề phòng lúc bị lạc có thể thổi lên
kêu cứu.
Phái nữ thám hiểm hang động có gì
khác phái nam? Thực tế, đã vào hang
thì phụ nữ cũng như đàn ông. Mỗi người
đều phải tự nỗ lực, chủ động giữ an toàn
cho bản thân. Nếu chỉ tham gia với sự tò
mò ban đầu, những cô gái rất khó để đi
đường dài khám phá hang động. Họ sẽ
phải chuẩn bị nhiều hơn nữa trong hành
trang của mình để có thể tiếp nối những
chuyến đi thám hiểm độc đáo, hấp dẫn
và không kém phần nguy hiểm này.
TUỆ QUÂN
Chinh phục hang động không dành cho những cô nàng “bánh bèo”.
Thanh Nga tận hưởng vòi sen tự nhiên
trong hang nước ở Thanh Hoá.